Rau củ, bánh kẹo, ô tô dưới 9 chỗ... cần kiểm soát nhập khẩu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/11/2021 20:08 GMT+7

Trong báo cáo tháng 10 và 10 tháng về tình hình sản xuất công nghiệp và sản xuất thương mại, Bộ Công thương liệt kê một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu.

Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu tăng 24% so cùng kỳ, khoảng 16,2 tỉ USD. Cụ thể, mặt hàng rau quả nhập khẩu tăng 14,6%; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 28,4%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng hơn 47%; phế liệu sắt thép tăng gần 79%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng hơn 58%...

Nhập siêu 10 tháng lên đến 1,45 tỉ USD

ng.ng

Cũng theo Bộ Công thương, trong tháng 10, nhóm hàng cần nhập khẩu để phát triển tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 23,52 tỉ USD. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng “cần nhập khẩu” ước đạt 239,32 tỉ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, các mặt hàng: hạt điều, quặng và khoáng sản, cao su các loại, khí đốt hóa lỏng, hóa chất, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, thép, giấy, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải, bông, xăng dầu, thức ăn gia súc, thủy sản… tất cả đều có kim ngạch nhập khẩu tăng từ 12 - 265%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỉ USD. Song trong 10 tháng, cả nước vẫn nhập siêu 1,45 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỉ USD.

Theo Bộ Công thương, có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng năm 2021. Cụ thể, do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp trong nước tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất; do giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu; do giá cước vận tải biển tăng đẩy chi phí, trị giá nhập khẩu tăng và do xuất khẩu cả nước giảm tốc từ tháng 6.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi doanh nghiệp khai thác khá hiệu quả các Hiệp định FTA. Đặc biệt, tại các thị trường nước ngoài đang tăng nhu cầu tiêu dùng mua sắm vào dịp cuối năm, tập trung nhiều nhóm hàng Việt Nam đang có lợi thế.

Từ đó, Bộ Công thương cho rằng, phải đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Hiện Bộ đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Thứ 2 là đôn đốc hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới cũng được xúc tiến nhiều hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.