Rạn san hô lớn nhất thế giới đang bị tẩy trắng tồi tệ nhất lịch sử

Trí Đỗ
Trí Đỗ
17/04/2024 17:38 GMT+7

Hiện tượng tẩy trắng san hô chỉ xảy ra khoảng một thập niên một lần, tuy nhiên điều này giờ đây xảy ra hằng năm.

Theo AFP ngày 17.4, hệ thống rạn san hô Great Barrier ở Úc trải dài 2.300 km, thường được mệnh danh là cấu trúc sống lớn nhất thế giới, là nơi có hệ sinh thái bao gồm hơn 600 loại san hô và 1.625 loài cá.

Trong một cuộc khảo sát trên không gần đây cho thấy khoảng 730 trong số hơn 1.000 rạn san hô trải dài trên hệ thống rạn san hô Great Barrier đã bị tẩy trắng, theo Cơ quan quản lý công viên hải dương rạn san hô Great Barrier ở Úc.

Tiến sĩ Selina Ward, nhà sinh vật học biển và cựu Giám đốc của Trạm nghiên cứu đảo Heron thuộc Đại học Queensland (Úc) nói rằng đây là đợt tẩy trắng tồi tệ nhất mà bà từng chứng kiến trong 30 năm làm việc trên rạn san hô và một số san hô đang bắt đầu chết.

Một đảo san hô trên Rạn san hô Great Barrier (Úc)

Một đảo san hô trên Rạn san hô Great Barrier (Úc)

AFP

Theo Cơ quan quản lý công viên hải dương rạn san hô Great Barrier, các tác động tích lũy xảy ra trên rạn san hô trong mùa hè này cao hơn so với các mùa hè trước. Cơ quan này cho biết nhiệt độ mặt nước biển nóng hơn dự báo từ 0,5°C đến 1,5°C.

Ông Roger Beeden, nhà khoa học của Cơ quan quản lý rạn san hô, cho biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên toàn cầu. Ông nói: "Rạn san hô Great Barrier là một hệ sinh thái khổng lồ, mặc dù nó đã nhiều lần thể hiện khả năng phục hồi nhanh nhưng mùa hè này đặc biệt khó khăn".

Tháng 3 đánh dấu kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu

Nhà sinh vật biển Anne Hoggett, sống và làm việc trên đảo Lizard (phía đông bắc của Úc) trong 33 năm, cho hay khi bà đến vùng đất này thì hiện tượng tẩy trắng san hô chỉ xảy ra khoảng một thập niên một lần. Tuy nhiên, hiện nay, điều này xảy ra hằng năm. Bà Hoggett nói rằng: "Chúng tôi vẫn chưa biết liệu rạn san hô có thể phục hồi sau nhiều đợt tẩy trắng hay không".

Tình trạng tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier ngày 12.4.2024

Tình trạng tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier ngày 12.4.2024

REUTERS

Ông Terry Hughes, giáo sư danh dự tại Đại học James Cook (Singapore) và là nhà nghiên cứu tẩy trắng rạn san hô lâu năm, cho biết thiệt hại tích lũy khiến các rạn san hô khó phục hồi hơn, thậm chí nhiều khả năng chúng sẽ không chịu nổi và chết.

Bộ trưởng Môi trường Úc Tanya Plibersek hôm 10.4 bày tỏ Úc rất lo ngại về tình trạng tẩy trắng san hô hiện nay ở Úc, đồng thời bà nhấn mạnh nguy cơ tẩy trắng không chỉ ở rạn san hô Great Barrier mà còn trên toàn thế giới.

Bà Tanya kêu gọi: "Chúng ta cần bảo vệ rạn san hô vì nó là độc nhất trên thế giới và có đến 64.000 phụ thuộc vào san hô để kiếm sống".

"Tẩy trắng" san hô, có kỹ thuật mới giúp ngăn ngừa

Bà nói thêm rằng chính phủ đang làm "bất cứ điều gì có thể" để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Hiện nay, Úc đã đầu tư khoảng 3,2 tỉ USD để cải thiện chất lượng nước, giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ các loài bị đe dọa.

Quốc gia này là một trong những nhà xuất khẩu than và khí đốt lớn nhất thế giới và mới chỉ đặt mục tiêu trung hòa carbon gần đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.