Rằm tháng giêng, Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TP.HCM có gì đặc biệt?

05/02/2023 08:06 GMT+7

Vào ngày Rằm tháng giêng - Tết Nguyên tiêu, đường phố khu người Hoa tại TP.HCM đông nghẹt, nhất là trước chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông,…

Nhà cửa cũng được trang hoàng đẹp đẽ, treo đèn lồng đỏ.

Theo Trung tâm Văn hóa Q.5, với người Hoa ở TP.HCM, Tết Nguyên tiêu không chỉ là tết thuần túy mang thú vui thưởng ngoạn mà còn ý nghĩa tâm linh, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các bậc hiền nhân; cầu mong cho gia đình những điều tốt đẹp nhất ngay từ đầu năm.

Hàng nghìn người diễu hành Tết Nguyên tiêu ở quận 5: Náo nhiệt, sôi động!

Ý nghĩa Tết Nguyên tiêu

Trong tuyển tập về Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Q.5, PGS.TS Phan An cho biết, trong quan niệm của người Hoa, năm mới được tính theo âm lịch bắt đầu từ Tết Nguyên tiêu vào ngày rằm tháng giêng (15.1 âm lịch). Ngày Nguyên tiêu là lúc dương khí ngập tràn xua tan khí âm của năm cũ để bắt đầu chính thức một năm mới.

Cũng theo PGS.TS Phan An, trong văn hóa Trung Hoa, Tết Nguyên tiêu được tổ chức lớn hơn cả Tết Nguyên đán và kéo dài nhiều ngày đêm. Đêm 15 tháng giêng còn được gọi là Nguyên dạ, người dân thường thức suốt đêm để cúng lễ nơi đền, miếu, dạo chơi ngoài đường.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TP.HCM có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn

Ngọc Dương

Đường phố và đền miếu được kết hoa, treo nhiều lồng đèn màu đỏ - biểu trưng cho ngọn lửa để xua đuổi tà ma, ác quỷ và sự giá lạnh, đem lại sự yên bình, ấm áp cho người dân.

Tuy nhiên, khi đến vùng đất mới ở Nam bộ, văn hóa truyền thống Trung Hoa của các thế hệ di dân ban đầu có sự thích nghi với môi trường sống mới. Vào dịp tết Nguyên tiêu, các đường phố khu vực Chợ Lớn ở Q.5 đông nghẹt người, nhất là trước chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, Quỳnh Phủ Hội quán… Đường phố, nhà cửa, đền miếu của người Hoa trong khu vực được trang hoàng đẹp đẽ, đèn lồng đỏ treo thành dãy dài, màu sắc rực rỡ.

Đường phố Q.5 vì vậy trở nên rộn ràng, sôi động, mọi người tươi cười, phấn khởi chúc mừng cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Các đền miếu của người Hoa cũng có nhiều người đến thắp nhang, xin tài lộc, bình an, may mắn.

Gà cúng rằm bán đắt như tôm tươi ở chợ nhà giàu Hà Nội

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Nam bộ

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Nam bộ có những điểm khác biệt so với Tết Nguyên tiêu ở Trung Hoa.

Theo PGS.TS Phan An, Tết Nguyên tiêu ở Nam bộ chú trọng vào sự đón mừng năm mới. Tết Nguyên tiêu ở Nam bộ là thời điểm giữa mùa khô, khí hậu khô ráo, sắp chuyển sang nóng bức vào những tháng kế tiếp. Một số người Hoa ở Nam bộ có cảm nhận Tết Nguyên tiêu là sự kết thúc của một mùa lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi kéo dài từ Tết Nguyên đán cho đến Tết Nguyên tiêu.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TP.HCM có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Múa lân sư rồng khắp các đường phố

Ngọc Dương

Thực trạng Tết Nguyên tiêu ở Trung hoa được tổ chức lớn nhất trong năm thì ở Nam bộ, người Hoa ăn Tết Nguyên đán lớn hơn. Ngoại trừ khu vực các đền miếu của người Hoa ở Q.5 TP.HCM, Tết Nguyên tiêu còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống kiểu Trung Hoa và thu hút đông đảo người tham dự.

Với những nghi thức, nghi lễ trong Tết Nguyên tiêu, những thế hệ trẻ của người Hoa hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc mình để vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Hoa Nam bộ.

Đây cũng là dịp gặp gỡ của bà con người Hoa để chia sẻ, thấu hiểu nhau trong công việc kinh doanh, sản xuất và cả đời sống cá nhân, gia đình. Ở Nam bộ, lễ Nguyên tiêu không chỉ có bà con người Hoa tham dự mà còn có đông đảo bà con người Việt, người Khmer.

Các hoạt động Tết Nguyên tiêu 2023

Đại diện Trung tâm Văn hóa Q.5 cho biết, theo thông lệ hằng năm, hội Nguyên Tiêu sẽ chính thức khởi động và được diễn ra tại trung tâm và tại các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ ngày 2.2 – 5.2 (tức từ 12 – 15 tháng giêng).

Theo đó, tại Trung tâm Văn hóa Q.5 có các chương trình nghệ thuật tuồng cổ và nghệ tiếng Hoa hằng đêm, chương trình ẩm thực "tuần lễ Dimsum" với hàng trăm món ăn đặc trưng của người Hoa hằng đêm (ngày 2 – 7.2).

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TP.HCM có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Hội Nguyên tiêu tại Q.5 diễn ra từ ngày 2 - 5.2 (tức từ 12 - 15 tháng giêng)

Ngọc Dương

Tại chùa Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Chợ Lớn (của người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông) sẽ mở cửa thường xuyên để đón du khách đến tham quan và thắp nhang. Tại đây cũng có tục cúng nhang vòng, dâng dầu đèn cầu an.

Tại Hội quán Nghĩa An - chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội quán): Vào Tết Nguyên tiêu, chùa chuẩn bị sẵn một số lượng lớn những quả quýt, bao lì xì, lồng đèn... để người dân đến mượn theo những quy ước bất thành văn: nếu mượn một thì năm sau, đúng vào ngày này phải trả thành hai.

Đại diện Trung tâm Văn hóa Q.5 cho hay, tục lệ này giống như tục xin lộc đầu năm của người Việt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Người vay cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn khấm khá. Ngoài ra, còn có tục chui qua bụng ngựa (nhất là trẻ em) với dụng ý loại bỏ những điều không tốt lành của trẻ nhỏ là thói hư tật xấu, cầu sức khỏe, hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, thông minh...

Năm nay Hội Quán Nghĩa An tổ chức diễu hành với tên gọi "Quan Thánh Đế xuất du" vào ngày 2.2 (tức 12 tháng giêng). Đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa gốc Triều Châu.

Tại Quỳnh Phủ Hội Quán - Miếu bà Hải Nam, Hội quán Hải Nam: các chương trình nghệ thuật đặc sắc do chính cộng đồng người Hải Nam biểu diễn.

Ngoài ra, tại công viên Văn Lang cũng tổ chức đêm thơ vào ngày 4.2.2023 (tức 14 tháng giêng) với sự tham gia của hàng trăm diễn viên biểu diễn minh họa, giới thiệu những án thơ bất hủ cũng như những tác phẩm thơ mới của các tác giả đến từ các câu lạc bộ thơ ca trên địa bàn TP.HCM.

Tại Q.6, vào lúc 19 giờ ngày 2.2 (tức 12 tháng giêng), chương trình Đêm hội Nguyên tiêu cũng được tổ chức ở trước chợ Bình Tây. Theo UBND Q.6, tại TP.HCM, Tết Nguyên tiêu được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng ở phạm vi gia đình và cộng đồng. Cụ thể như: dâng hương tại các chùa, miếu để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc.

Hòa trong không khí lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa tại TP.HCM, Q.6 tổ chức đêm hội nguyên tiêu với các nội dung như biểu diễn múa lân, các chương trình ca múa nhạc, gian hàng thư pháp, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực ở khu vực lễ hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.