Rằm tháng Giêng: Đi lễ chùa nhiều người thắc mắc thắp mấy cây nhang là đủ?

15/02/2022 09:28 GMT+7

Theo các vị Hòa thượng và Đại đức trụ trì chùa, đạo Phật chú trọng ‘tâm’ chứ không đặt nặng hình thức. Do đó, Rằm tháng Giêng, Phật tử đi lễ chùa chỉ nên thắp một cây nhang thành tâm khấn nguyện là được.

Ngày 15.2 (tức Rằm tháng Giêng), người dân, Phật tử thường đi lễ chùa ngày này như một thói quen để cầu phước lành năm mới. Trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Phật tử nên đi lễ chùa thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch vừa bảo vệ môi trường, vừa không lãng phí?

Vì sao người Việt đi chùa Rằm tháng Giêng?

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Giác Ngộ, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, theo Phật giáo, trong năm có 4 Rằm lớn là: tháng Giêng (Thượng Nguyên), tháng 4 (Phật Đản), tháng 7 (Vu Lan) và tháng 10 (Hạ Nguyên).

Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, Rằm tháng Giêng là Rằm đầu năm, người Hoa có tục đốt vàng mã, còn đạo Phật chính thống thì không đốt vàng mã. Đầu năm Phật tử thường đi lễ chùa, làm thiện sự, cầu mong năm mới an lành.

Người Sài Gòn đi lễ chùa dịp Rằm tháng Giêng

Gia Thanh

Đại đức Thích Minh Phú, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) cũng cho rằng, người Việt rất coi trọng ngày Rằm tháng Giêng bởi dân gian quan niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, “đầu xuôi đuôi lọt”…

Theo đó, vào ngày này, những tín đồ Phật giáo thường ăn chay, đến chùa lễ bái, sám hối, nguyện cầu một năm an lạc với bản thân và gia đình. Đồng thời, Phật tử gửi gắm mong ước cả năm đều hanh thông, may mắn.

Phật tử đi lễ chùa tại chùa Tường Nguyên (Q.4) tối 14 tháng Giêng

Đại đức Minh Phú

Hòa thượng Thích Giác Toàn cho hay, ngày nay ở các chùa, pháp viện thường có lư hương đặt phía trước để bá tánh đến chùa đốt nhang và cắm ở ngoài thay vì vào bên trong. Phật tử đến chùa nếu thấy các chùa có lư hương ở ngoài thì nên cắm nhang ở ngoài rồi vào bên trong cầu nguyện, tránh thắp nhang nhiều trong khuôn viên thờ tự.

Theo Hòa thượng, hiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo 5K nên ai đến chùa cũng phải đeo khẩu trang, không tụ tập đông.

“Lòng hướng đến Phật thì đến cầu nguyện xong mình đi về, tránh tụ tập dịch bệnh. Trong chùa cũng khuyến khích các Phật tử phải tự bảo vệ phòng dịch cho chính mình, giữ khoảng cách an toàn”, Hòa thượng trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang chia sẻ.

Chùa Phúc Khánh làm lễ cầu an online, người dân vẫn đến cửa vái vọng

Thắp nhang thế nào cho đúng?

Ngoài ra, Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng lưu ý, từ mùng 8 đến Rằm tháng Giêng, các chùa, tịnh xá thường tụng kinh Dược sư cầu an cho bá tánh cầu an đầu năm. Phật tử có thể đến chùa để tham dự, nhưng cần lưu ý giữ khoảng cách không chủ quan trước dịch bệnh. Mỗi người đến chùa chỉ nên đốt 1 cây nhang hoặc cắm ở mỗi lư hương 1 cây thay vì 1 bó. Nếu sân chùa có lư hương thì Phật tử cúng nên cắm nhang ở ngoài sân, vô trong lạy suông là được.

Vẫn còn nhiều ý kiến quanh việc đến chùa đốt bao nhiêu cây nhang là đủ

Dương Lan

Đại đức Thích Minh Phú cũng cho hay, vào ngày này, người dân đặc biệt là Phật tử sẽ sắm sửa lễ vật như hoa quả, nhang đèn, bánh,… mang đến chùa để dâng lên Tam Bảo. Đồng thời các Phật tử còn tham gia vào khóa lễ sám hối, cầu an đầu năm do chùa tổ chức.

Vào ngày này, các tín đồ Phật giáo thường về các cơ sở tự viện Phật giáo để sám hối việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh, lắng lòng theo lời kinh, tiếng kệ, nhịp mõ, tiếng chuông, tìm cầu phút giây an lạc.

Nói thêm về vấn đề đốt vàng mã, Đại đức Thích Minh Phú khẳng định rằng đây không phải là truyền thống của Phật giáo mà có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, du nhập đến Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau. Theo đó, dân gian cho rằng người sống có nhu cầu gì thì người chết cũng có nhu cầu tương tự, từ tiền bạc, xe sang, người hầu,… Đạo Phật là đạo của giải thoát thì làm sao có thể dính mắc vào những việc thế này.

Người Việt có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng"

Dương Lan

Đại đức Minh Phú phân tích: “Nếu giả thuyết có cõi trời và địa ngục là đúng thì khi người chết đọa vào địa ngục, chịu đủ mọi thống khổ thì làm gì có thời gian dùng đến tiền giấy, nhà kho,… Còn nếu đã sinh cõi trời, hưởng niềm vui an lạc thì làm gì cần đến những thứ đồ giả tạo kia. Đốt vàng mã không chỉ tiêu tốn tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nếu thương tưởng đến người thân đã mất, chỉ nên làm việc thiện, giúp đời, giúp người, như vậy vừa mang đến an lạc cho bản thân, cho xã hội, đồng thời người thân quá cố cũng đồng hưởng phước lành”.

Về việc thắp bao nhiêu cây nhang cho đúng, Đại đức Minh Phú cho rằng đây là một vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, vị Đại đức trụ trì chùa Tường Nguyên nêu ý kiến, người học Phật nên "đốt" một nén nhang là đủ - đó là nén “tâm nhang”.

Chùa Tường Nguyên làm lễ tối 14 tháng Giêng

Đại đức Minh Phú

Đại đức Minh Phú chia sẻ: “Nén nhang này rất khác với những nén nhang mà thường ngày đến chùa vẫn thường đốt. Muốn đốt được nén tâm nhang cúng dường Tam Bảo, trước hết người học Phật phải một lòng hướng Phật, đem hết lòng thành kính ấy dâng lên cúng dường, như vậy là đủ. Nếu không thành tâm thì có đốt bao nhiêu cây nhang cũng chỉ làm cho không khí thêm ngột ngạt”.

Sau cùng, Đại đức Minh Phú nhấn mạnh, đạo Phật chú trọng là “tâm” chứ không đặt nặng vấn đề hình thức. Vì vậy, khi đến chùa nếu nhìn thấy trong lư đã có đốt nhang thì không cần tiếp tục đốt nữa, chỉ cần chí thành kính trước Tam Bảo thành tâm khấn nguyện là được. Không có nén nhang nào có thể đại diện cho tấm lòng người học Phật hơn nén “tâm nhang”, không khói, không nhang nhưng lại quý báu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.