Rái cá trên Biển Đông

22/12/2015 05:26 GMT+7

Trong Quân đội nhân dân VN, binh chủng Đặc công được gọi là đặc biệt tinh nhuệ. Trong đội hình ấy, có những đơn vị đặc biệt hơn cả đặc biệt, thầm lặng làm các nhiệm vụ ít ai biết tới.

Trong Quân đội nhân dân VN, binh chủng Đặc công được gọi là đặc biệt tinh nhuệ. Trong đội hình ấy, có những đơn vị đặc biệt hơn cả đặc biệt, thầm lặng làm các nhiệm vụ ít ai biết tới.

Kết thúc nhiệm vụ lặn, đưa khí tài lên xuồng
- Ảnh: Độc LậpKết thúc nhiệm vụ lặn, đưa khí tài lên xuồng - Ảnh: Độc Lập
Một trong những đơn vị ấy là Lữ đoàn Đặc công nước 5, chuyên đảm trách nhiệm vụ tác chiến trên các vùng biển đảo Tổ quốc.
Tuyển chọn như phi công, bộ đội tàu ngầm
Bãi biển ven đường Yên Ninh (P.Mỹ Bình, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) là thao trường của bộ đội Đặc công Đoàn 5. Mới 6 giờ 30, đội người nhái của Liên đội 3 đã xếp thẳng hàng, theo trung tá Chu Văn Tú (Liên đội phó) luồn qua bãi cát, xuống mép biển luyện tập. Từng tốp 3 người nhái lên xuồng ra biển, cách con tàu giả định mục tiêu khoảng 3 hải lý, đeo bình khí thả người xuống biển, thực hiện lặn sâu tiếp cận cho nổ mục tiêu. Dưới vài mét nước, người nhái nhẹ nhàng cơ động, trên mặt biển chiếc xuồng kiên nhẫn bám theo làm nhiệm vụ bảo hiểm.
Thiếu tá Lê Quốc Ngự, Liên đội trưởng Liên đội 3 cho biết: “Người nhái, ngoài yêu cầu thể lực - sức khỏe hơn người, còn phải có thần kinh tiền đình cực tốt. Mỗi năm, toàn binh chủng tuyển chọn được khoảng 10 người cho Liên đội 3 và trong quá trình huấn luyện, một số vẫn bị loại. Đặc biệt, các người nhái phải bơi được ít nhất là 12 km trên biển và lặn trong 3 phút”.
Trung tá Lê Công Quý, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Đặc công nước 5 nói: “98% quân số đơn vị được tuyển chọn từ các tỉnh ven biển theo các yêu cầu đặc biệt, cao hơn hẳn các quân binh chủng khác. Yếu tố sức khỏe là quan trọng nhất đầu vào. Để thành chiến đấu viên của Lữ đoàn 5, phải tuyển chọn khắt khe như vào phi công, bộ đội tàu ngầm”.
Thượng tá Hoàng Văn Số, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công nước 5 bật mí: “Ngay tiêu chuẩn ăn cũng có đến 4 chế độ khác nhau, dành cho bộ binh, đặc công nước - chống khủng bố, đặc công người nhái và hải đội tàu”.
Rái cá trên Biển ĐôngCác đặc công Đội 6, Liên đội 7 sau buổi tập

Nhiệm vụ không dành cho... người thường
Đại tá Lê Quang Anh, Lữ đoàn trưởng Đặc công nước 5 cho biết: “Đặc công nước 5 chỉ được công luận biết đến từ vụ tìm kiếm biên đội Su-22 rơi ở Phú Quý, Bình Thuận đầu năm nay”. Ngày 16.4.2015, biên đội 2 chiếc Su-22 của Trung đoàn 937 (Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) bị nạn khi đang luyện tập trên vùng biển Phú Quý. Ngay lập tức, một số đơn vị cứu nạn có mặt tìm kiếm nhưng... chịu vì người nhái không quen địa hình, không xuống được sâu.
Đặc công nước 5 được huy động và chỉ trong vài tiếng đồng hồ, gần 60 cán bộ chiến sĩ đi trên tàu chuyên dụng đã có mặt tại hiện trường, triển khai ngay 2 ca lặn, phát hiện thùng dầu phụ của máy bay 5857 ở độ sâu 32 m. Trong ngày 18.4, các đặc công thực hiện 10 ca lặn ở độ sâu 32 - 33 m, phát hiện khung kính buồng lái, đài phát sóng - ống dẫn khí buồng lái, thùng dầu phụ... Liên tiếp trong các ngày sau đó, dù sóng to gió lớn, dòng chảy biến động nguy hiểm, nhưng các đặc công người nhái vẫn kiên cường thực hiện nhiệm vụ ở độ sâu có khi gần 40 m, vớt được các chi tiết quan trọng của 2 chiếc Su-22. Quan trọng nhất là buổi chiều ngày 28.4, các tổ người nhái đã trục vớt được thi thể của phi công ở độ sâu 32 m, đưa về bờ mai táng...
Trung tá Chu Văn Tú, Liên đội phó Đặc công người nhái trầm giọng kể lại những ca lặn tìm kiếm máy bay rơi, cứu nạn, khảo sát DK, diễn tập đánh đảo - tàu... rồi tâm tình: “Nếu không có kỹ chiến thuật đặc biệt điêu luyện, thể lực cực kỳ dẻo dai và nhất là mưu trí, thông minh, linh hoạt, chúng tôi không thể lặn sâu có khi gần 100 m nước, luồn lách qua những khe đá nhọn hoắt, dòng chảy bất thường, phòng tránh các sinh vật biển kỳ lạ bằng những khí tài sản xuất từ lâu”...
Thuộc Trường Sa như lòng bàn tay
Ở Lữ đoàn Đặc công nước 5, bên cạnh biên chế đặc công người nhái, chống khủng bố, còn có đông đảo các chiến đấu viên thuộc Liên đội 7 Đặc công nước. Đây là lực lượng tác chiến trên các vùng biển đảo, chủ yếu là đột nhập đánh chiếm - tiêu diệt các mục tiêu trên đảo, phương tiện nổi.
Trung tá Vũ Văn Sáng, Chính trị viên Liên đội giải thích: “Nếu đặc công người nhái mang bình khí, thiết bị lặn đi sâu dưới lòng biển thì đặc công nước chỉ bơi nửa nổi nửa chìm vài chục ki lô mét, với duy nhất 1 ống thở và phải kéo theo vũ khí trang thiết bị nặng 10 - 15 kg (súng đạn, dao găm, thủ pháo, mìn, thuốc nổ) tiếp cận mục tiêu”. Trung tá Sáng cho biết thêm: “Địa bàn, mục tiêu chủ yếu của đơn vị là quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và khu vực nhà giàn DK1 (Bà Rịa-Vũng Tàu), nên mỗi năm chúng tôi phải ra các đảo - nhà giàn huấn luyện 2 - 3 tháng liên tục”.
Còn thượng úy Trần Văn Cường, Chính trị viên Đội 6, Liên đội 7 khẳng định: “Anh em thuộc địa hình địa vật ngoài đó như lòng bàn tay”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.