Rắc rối sân Mỹ Đình có được cho VFF thuê hay không?

04/08/2022 08:59 GMT+7

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không cho phép Khu liên hợp thể thao quốc gia được phép kinh doanh nhưng đơn vị này lại được giao nhiệm vụ tự chủ thu chi 100%. Sự tréo ngoe này khiến sân Mỹ Đình gặp rắc rối.

Mâu thuẫn từ ngay văn bản

Mới đây, trong bài viết Khu liên hợp Mỹ Đình nợ thuế, tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng, Báo Thanh Niên đã đưa thông tin năm 2007, UBND TP.Hà Nội đã cấp sổ đỏ cho Khu liên hợp thể thao quốc gia, với diện tích đất là 57.364 m2, thời hạn sử dụng đất lâu dài. Sổ đỏ nêu rõ yêu cầu, đất phục vụ cơ sở thể dục thể thao, không được kinh doanh. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải xin phép và được sự đồng ý của các cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, 15 năm qua, khu liên hợp đã không làm đúng quy định khi tiến hành các hoạt động kinh doanh trên đất phục vụ thể dục thể thao: ký hợp đồng với các doanh nghiệp để cho thuê đất và với riêng sân Mỹ Đình, đã cho thuê để tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao, trong đó có các trận bóng đá của tuyển Việt Nam ở các giải châu lục, khu vực hay giao hữu. Thậm chí, lãnh đạo khu liên hợp từ năm 2010 còn đặt ra “barem” các mức tiền thuê sân, tùy vào tính chất của mỗi sự kiện liên quan đến bóng đá mà khoản tiền cao - thấp khác nhau. Rẻ nhất là 300 triệu đồng/trận, cao dao động từ 500 - 800 triệu đồng/trận.

Ngành thể thao đang giải quyết để tuyển Việt Nam được đá AFF Cup 2022 trên sân Mỹ Đình

ĐỘC LẬP

Vấn đề mâu thuẫn ở chỗ, khu liên hợp không được phép kinh doanh nhưng cơ quan có thẩm quyền lại quy định bằng văn bản về việc khu liên hợp là đơn vị hoàn toàn tự chủ về tài chính. Nếu không cho thuê sân, khu liên hợp không có khoản thu, không làm đúng chức năng nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước giao cho. Nhưng như vừa đề cập ở trên, khi thực hiện các hợp đồng thuê sân, khu liên hợp đã đi trái với quy định ghi rõ trong sổ đỏ.

Không dám ký cho thuê sân

Trở lại câu chuyện thời sự là vào trung tuần tháng 9 tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với 2 đội bóng châu Á trong thời gian FIFA Days, nhằm chuẩn bị cho AFF Cup 2022 vào cuối năm. Hiện tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang đàm phán với 2 đội bóng này và chưa có quyết định cuối cùng về địa điểm thi đấu. Ngoài 2 trận giao hữu này, tuyển Việt Nam sẽ thi đấu với thể thức sân nhà, sân khách tại AFF Cup mà sân Mỹ Đình có thể sẽ được chọn là sân nhà. Một quan chức của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cho biết: “Chúng tôi không dám ký cho thuê sân vì như vậy sẽ coi như tiếp tục làm sai quy định. Sau này, ai chịu trách nhiệm. Trừ khi Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT có công văn đề nghị cho mượn sân thì chúng tôi sẵn sàng. Nhưng với điều kiện, đơn vị được mượn phải lo toàn bộ kinh phí về chăm sóc sân, điện nước, khấu hao tài sản… trong suốt quá trình được mượn”.

Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một lãnh đạo ngành cho hay, ngành thể thao sẽ có văn bản gửi các đơn vị có liên quan để cùng gỡ rối vụ việc. “Đúng là không được kinh doanh bằng cách cho thuê sân Mỹ Đình nhưng nếu không cho thuê, thì sân sẽ trở thành khối bất động sản vô giá trị và khu liên hợp sẽ không có nguồn thu. Chúng tôi sẽ đề nghị để khu liên hợp được phép cho thuê sân”.

Chờ cơ quan thuế trả lời

Hiện tại, khu liên hợp đang bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn từ ngày 20.6.2022 - 19.6.2023, do tiền nợ thuế đã lên đến hơn 850 tỉ đồng (khoản nợ này liên quan các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp từ năm 2009 - 2018). Khi đang bị cưỡng chế thuế, khu liên hợp không được xuất hóa đơn cho đơn vị thuê sân, nên không được ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị nào.

Ngày 3.8, trả lời Báo Thanh Niên, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ VH-TT-DL để có hướng giải quyết liên quan khu liên hợp. Theo quy định về thuế, khu liên hợp vẫn có thể được tiếp tục sử dụng từng hóa đơn lẻ nhưng phải có công văn gửi cơ quan thuế, đề nghị được sử dụng hóa đơn lẻ. Tiền thuế sau mỗi sự kiện mà khu liên hợp cho thuê sân, khi dùng hóa đơn lẻ, phải thực hiện việc nộp ngay cho nhà nước. Hóa đơn lẻ có mức thuế rất cao, lên đến 18%. Nhưng đó là quy định, phải làm đúng cam kết với cơ quan thuế. Chúng tôi cũng mong mỏi những rắc rối cần được quy về trách nhiệm của cá nhân để khu liên hợp nói chung và sân Mỹ Đình nói riêng hoạt động trở lại bình thường”. Tất nhiên, ngành thể thao, khu liên hợp và VFF còn phải chờ đợi câu trả lời của cơ quan thuế về việc có đồng ý cho dùng hóa đơn lẻ hay không.

Ngành thể thao sẽ sớm có phương án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền được chuyển đổi đất tại khu liên hợp thành đất dịch vụ thể thao. Ngoài ra, có thể Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sẽ tiến tới không phải là đơn vị tự chủ 100% về tài chính mà là đơn vị sự nghiệp có thu. Như vậy sẽ giảm áp lực về kinh tế cho khu liên hợp vì nhiệm vụ chính của đơn vị này là phục vụ chuyên môn về thể thao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.