Rác nguy hại bên 'hồ nước uống'

27/12/2018 04:51 GMT+7

Hằng ngày, hồ Đan Kia - Suối Vàng (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) cung cấp cho TP.Đà Lạt khoảng 50.000 m3 nước sinh hoạt, nhưng nguồn nước này đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.

Đầy bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật

Trung tuần tháng 12.2018, tại khu vực hồ Đan Kia, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, xung quanh bể chứa nước có nhiều chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng. Người dân nơi đây cho hay, nhiều tháng nay do không thấy cơ quan chức năng đến thu gom nên họ vứt bao bì bên cạnh thùng rác, chất thành đống. Trên thùng chứa rác thải màu cam ghi rõ “Bể chứa bao gói BVTV sau sử dụng”, mặt sau ghi Sở TN-MT Lâm Đồng. PV gọi số điện thoại in trên thùng rác, một phụ nữ nghe máy, bảo "nhầm số", đây là Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng H.Lạc Dương, không có chức năng thu gom rác thải BVTV.
Theo ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND H.Lạc Dương, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 15 - 20 tấn rác là bao bì nhựa, chai nhựa, chai thủy tinh chứa thuốc diệt côn trùng, trừ sâu, thuốc tăng trưởng... Khi gặp mưa ở những vùng đất cát, thuốc ngấm xuống mạch nước ngầm, hoặc khi nước ngập, thuốc hòa tan gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Hoài thừa nhận thời gian qua, việc vận chuyển rác đến cơ sở xử lý chất thải ở TP.Đà Lạt hết sức khó khăn vì công suất ở đây không đáp ứng.
Khu vực thượng nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng hằng ngày còn có nhiều xe tải chở phân xác mắm cung cấp cho các nông hộ. Phân được chuyển xuống các thửa vườn sát mép hồ để bón cây trồng. “Sử dụng phân xác mắm gây ô nhiễm môi trường và làm mất kết cấu đất trồng, góp phần làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và nguồn nước”, một kỹ sư thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng phân tích.
Điều đáng nói, “Hồ Đan Kia - Suối Vàng là nguồn cung cấp nước sạch chính cho TP.Đà Lạt và một phần H.Lạc Dương. Hiện tại đây có 2 nhà máy mỗi ngày cung cấp 50.000 m3 nước sạch cho trên 66.000 hộ, chiếm 90% lượng nước sinh hoạt của Đà Lạt, nhưng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nông nghiệp và nạn lấn chiếm lòng hồ”, ông Võ Quốc Trang, Tổng giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Lâm Đồng, cảnh báo.
Rác nguy hại bên 'hồ nước uống'1

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Theo Sở TN-MT Lâm Đồng, từ tháng 6.2017, đơn vị này và H.Lạc Dương phối hợp triển khai mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Lạc Dương. Đến nay Sở cung cấp 100 thùng chứa rác thải bố trí quanh khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức sử dụng và phân loại, thu gom bao bì thuốc BVTV cho người dân và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Việc thu gom và xử lý rác bao bì thuốc BVTV thuộc trách nhiệm của H.Lạc Dương.
“Hai năm qua, tỉnh Lâm Đồng giao Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi (thuộc Sở) quản lý lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng, nhưng có nhiều khu vực thuộc hành lang bảo vệ hồ bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn được chính quyền H.Lạc Dương cấp sổ đỏ, nên việc quản lý rất phức tạp và khó khăn”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, than phiền.
Còn Phòng TN-MT H.Lạc Dương cho biết từ khi triển khai mô hình đến nay, phòng phải thuê đơn vị khác thu gom 3 đợt, số lượng rác thải là bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng thu được gần 3.000 kg.
Rác nguy hại bên 'hồ nước uống'2
Các xe tải chở phân xác mắm đến khu vực hồ Đan Kia
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, cho hay: “Thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, đề xuất các phương án để việc sản xuất nông nghiệp quanh hồ không làm ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.