Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV:

Quyết định những vấn đề căn cơ, chiến lược, lâu dài

16/01/2024 06:30 GMT+7

Nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp thỏa thuận về giá, nên giữ hay bỏ phương pháp định giá đất thặng dư… tiếp tục là những câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về dự án luật Đất đai sửa đổi trong ngày khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV sáng 15.1.

THU HỒI TOÀN BỘ HAY MỘT PHẦN ?

Theo dự thảo luật trình Quốc hội (QH), Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây khu đô thị có công năng hỗn hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội với nhà ở. Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng quy định thu hồi cần cân nhắc cho phù hợp tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp (DN) trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Quyết định những vấn đề căn cơ, chiến lược, lâu dài- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 QH khóa XV

GIA HÂN

Ông Hải đề xuất nên quy định Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi diện tích đất để làm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình phúc lợi công cộng trong dự án đô thị, còn phần diện tích xây dựng nhà ở thì vẫn phải thực hiện thỏa thuận giữa người dân và DN. "Nên quy định rõ cơ chế thực hiện tự thỏa thuận như thế nào để thuận lợi cho cả DN và người dân. Nếu không có căn cứ pháp lý để thỏa thuận, nhất là giá thì rất khó cho DN trong vấn đề thu hồi đất và hài hòa lợi ích với người dân", ông Hải nói.

Chương trình kỳ họp bất thường thứ năm Quốc hội khóa XV

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) băn khoăn nếu quy định như dự thảo, rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí sẽ không được đấu thầu. Dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu.

"Tôi cho rằng đây sẽ là một khoảng trống của pháp luật, có nhiều dự án sẽ không thể thực hiện được, không đấu thầu, không được thỏa thuận và cũng không phải giao trực tiếp", ông Cường đặt vấn đề. Do đó, ông đề nghị sửa khoản 27 điều 79 thành "các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họpẢnh: Gia Hân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp

GIA HÂN

Khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 QH khóa XV

Sáng 15.1, tại Hà Nội, QH khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 QH khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng, gồm: luật Đất đai sửa đổi; luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung về tài chính, ngân sách.

Về luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch QH cho hay đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt; do đó, dự án luật đã được các cơ quan liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng qua nhiều vòng, nhiều bước. Tới nay, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18 khóa XIII về đất đai, phù hợp Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Chủ tịch QH đề nghị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về dự án luật, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ QH, đảm bảo chất lượng cao nhất và xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Với dự án luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch QH cho hay sau 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6 trong năm 2023, cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ QH đã tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức tín dụng…

Chủ tịch QH nhấn mạnh dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, đề nghị các ĐBQH nghiên cứu thận trọng, toàn diện, góp ý, hoàn thiện và xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, minh bạch và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Nhấn mạnh những nội dung được QH quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, Chủ tịch QH đề nghị ĐBQH phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất cao.

ĐỀ XUẤT BỎ PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi quy định về 4 phương pháp định giá đất, gồm: so sánh, thu thập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Trong đó, phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất. Song, nhiều ĐB đề xuất bỏ phương pháp này.

Theo ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương), phương pháp định giá đất thặng dư dựa trên cơ sở giả định, ước tính, do đó mức độ tin cậy chưa cao đối với các khu vực hạn chế về thông tin thực tế, về chi phí doanh thu để làm căn cứ ước tính.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng mặc dù giá trị thửa đất có triển vọng tăng lên theo thời gian, nhưng việc mặc định giá trị đất lúc nào cũng tăng dần là không hợp lý. Bởi lẽ, giá trị thửa đất có thể đi xuống vì nền kinh tế suy thoái, gặp các yếu tố bất lợi. Đơn cử như hiện nay, thị trường bất động sản gần như "đóng băng" thì phương pháp này không đo lường chính xác được các yếu tố rủi ro tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Chưa kể, việc tính toán các yếu tố giả định nêu trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất nhưng chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định là sẽ thay đổi kết quả định giá. Trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá, cơ sở dữ liệu về đất đai, thị trường chuyển quyền sử dụng đất chưa phát triển toàn diện, minh bạch, việc bỏ bớt một phương án định giá đất như đã nêu là cần thiết. Trường hợp giữ lại phương pháp này thì cần có "van, khóa" để kiểm soát tính chính xác, phù hợp của kết quả định giá.

Quyết định những vấn đề căn cơ, chiến lược, lâu dài- Ảnh 3.

Tìm phương pháp thu hồi đất tối ưu cho dự án nhà ở thương mại tiếp tục là điểm được đặc biệt chú trọng trong luật Đất đai sửa đổi

NGỌC DƯƠNG

Đồng quan điểm, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị không áp dụng phương pháp thặng dư mà nên áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp thì sẽ chính xác hơn. Theo ông, phương pháp thặng dư chỉ nên sử dụng để so sánh, tham khảo. Ông cho rằng, nếu hằng năm xây dựng bảng giá đất một lần sẽ không thể làm được, "quanh năm cứ đi làm giá đất". Thay vào đó, nên áp dụng bảng giá đất cho 5 năm, nếu giá thị trường có biến động thì sẽ áp dụng hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) để điều chỉnh cho phù hợp.

ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho rằng dự thảo luật thiếu vắng nguyên tắc cơ bản, đó là đảm bảo tính hợp lý và tương đồng về giá trị định giá khi áp dụng các phương pháp định giá đất khác nhau. Ví dụ, cùng thửa đất A, B, khi áp dụng phương pháp so sánh với thửa đất C vừa trúng đấu giá và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để định giá thì giá đó phải tương đồng khi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Thực tế trên sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xây dựng và áp dụng, rất dễ dẫn đến sai phạm khi có thanh tra, kiểm tra vì khi áp dụng phương pháp định giá theo dự thảo cho từng trường hợp cụ thể có khả năng sẽ không ra cùng đáp án với loại đất tương tự trong cùng dự án khi áp dụng phương pháp khác.

Đề nghị áp thuế cao với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật Đất đai sửa đổi, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, cho biết dự thảo luật chỉnh sửa quy định theo hướng, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Về việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (khoản 3 điều 138), dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1.7.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18 để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.