Quyết chống giặc

02/08/2021 04:40 GMT+7

Vào chiến dịch quy mô lớn nhằm đối phó Covid-19 như hiện nay, nếu mỗi người, nhất là người trẻ, đều xác lập và lan tỏa ý chí quyết tâm, tin tưởng thì chắc chắn công cuộc chống giặc sẽ sớm thành công.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiệu triệu toàn dân với định hướng trách nhiệm cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm, đồng lòng trong nỗ lực tìm mọi cách ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Có thể hiểu chống giặc là trạng thái thời chiến; chiến đấu với đại dịch Covid-19 bằng sức mạnh của toàn dân, mỗi một mục tiêu đều là vì dân, do dân. Trả lời báo chí quốc tế về Chiến tranh nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: Chính nhân tố con người chứ không phải các nguồn lực vật chất quyết định kết quả của cuộc chiến. Đó là lý do vì sao mà cuộc chiến nhân dân của chúng tôi, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lại diễn ra trên một quy mô lớn như vậy. Nó lôi cuốn sự tham gia của toàn thể dân chúng.
Liên tưởng với bối cảnh hiện tại, chưa từng có tiền lệ ở nước ta, toàn thể dân chúng đang phải chiến đấu mạnh mẽ với một hiểm họa có quy mô toàn cầu. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần đóng góp trách nhiệm, công sức cùng các giá trị vật chất và tinh thần vào công cuộc chống giặc vì bản thân và gia đình mình, vì sự an toàn của cộng đồng, xã hội, vì sự thịnh vượng của đất nước và nền tảng sức khỏe giống nòi.
Chống giặc là chấp hành nghiêm quân lệnh, cụ thể là tự giác cao độ trong chấp hành các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, quy định và hướng dẫn của các bộ ngành và chính quyền địa phương trong giãn cách, phong tỏa, xét nghiệm, chữa bệnh, tiếp nhận và phân phối vật phẩm thiết yếu, tiếp cận các giải pháp công nghệ nhằm phòng ngừa, phát hiện nguy cơ lây nhiễm…
Chống giặc là đồng tâm hiệp lực cùng đội ngũ y bác sĩ và lực lượng của các cơ quan chức năng trong hỗ trợ điều trị, chăm sóc cách ly, góp phần trợ giúp cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, yếu thế; là chia sẻ những giá trị tâm lý tích cực, đem đến nhiều hơn sự trấn an, động viên, biểu dương và thông tin có ích. Nhất là thái độ đồng cảm, không tạo ra tâm trạng bi quan, đổ lỗi, trách móc mà làm sa sút tinh thần chiến đấu chung.
Chống giặc là tìm ra các kế sách để thích nghi trong từng hoàn cảnh mới, trong ngắn hạn và lâu dài. Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, nhiều cách suy nghĩ cũ, nhiều tập quán lâu nay trong cuộc sống hằng ngày đã không còn phù hợp. Nổi rõ nhất là việc gia tăng tương tác trực tuyến đến mức chủ đạo trên nhiều lĩnh vực, là chuẩn bị cho chất lượng tự động hóa và các hình thức đầu tư, vận hành phù hợp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để thích ứng nhanh với thời kỳ bình thường mới.
Chống giặc là không so bì tương quan về hậu cần, vũ khí. Dẫu tiềm năng quốc gia chưa ở ngưỡng giàu mạnh, song Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã hết sức tập trung, ưu tiên nguồn lực tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh cùng các chính sách hỗ trợ người dân vùng dịch. Trong đó có sự phân bổ phù hợp về trang thiết bị và vắc xin, thứ vũ khí quý giá từ viện trợ hoặc mua sắm, do Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn về chất lượng và được sử dụng rộng rãi, hiệu quả tại nhiều quốc gia khác. Khi hoàn cảnh khó và cần kíp, không nên có suy nghĩ lăn tăn hay kén cá chọn canh mà làm hạn chế thành quả chung.
Trên hết, chống giặc là phải có niềm tin tất thắng. Có tin mới vượt khó, vượt khổ, vượt lên hy sinh, mất mát. Cần thiết việc khơi gợi những giá trị tinh thần truyền thống cùng với cách hành xử theo các quy chuẩn văn minh hiện đại trong hoàn cảnh sống mới. Vào chiến dịch quy mô lớn nhằm đối phó Covid-19 như hiện nay, nếu mỗi người, nhất là người trẻ, đều xác lập và lan tỏa ý chí quyết tâm, tin tưởng thì chắc chắn công cuộc chống giặc sẽ sớm thành công.

Bản tin Covid-19 ngày 1.8: Cả nước thêm 8.620 ca bệnh, các nơi hỗ trợ người dân để “ai ở đâu ở đấy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.