‘Quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người’

Quý Hiên
Quý Hiên
11/10/2022 21:15 GMT+7

Trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã gửi tới các tân sinh viên sư phạm lời nhắn nhủ “quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người”.

Chiều nay 11.10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2022 - 2023, đón chào hơn 4.000 tân sinh viên, khoá 72 của trường.

Hôm nay cũng là một ngày kỷ niệm một dấu mốc lịch sử rất quan trọng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cách đây 71 năm (11.10.1051), Bộ Quốc gia Giáo dục đã ban hành Nghị định số 276 về việc thành lập Trường sư phạm Cao cấp, tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày nay.

GS Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Quý Hiên

Giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lương tri

Trước khi thực hiện lễ nghi đánh trống báo hiệu khai giảng năm học mới, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã gửi đến tân sinh viên những chia sẻ sâu sắc, vừa gửi gắm kỳ vọng, vừa bày tỏ sự cảm thông.

Trong bài phát biểu của mình, GS Minh nhắn nhủ các tân sinh viên sư phạm, “quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người”. Theo GS Minh, bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì, muốn thế thì họ cần được hiểu biết. Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống.

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư hiệu trưởng

Minh hằng

“Chính thế, thầy hy vọng ngay từ bây giờ, các em hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông… sau rồi hãy nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có”, GS Minh bày tỏ.

Cũng trong mạch suy tư trên, GS Minh cho rằng giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lượng tri. Dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, thì cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn.

“Hãy cố gắng đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người, dù đâu đó có lúc ngủ quên. Các em là những thanh niên thế hệ Z, nhưng may thay đó là “những người trung thành, nhân ái, chu đáo, cởi mở, có trách nhiệm và quyết đoán”, như một nghiên cứu đã chỉ ra.

Báu vật này là vốn quý và sẽ là ngọn lửa ấm, sẽ là những nhịp đập đồng điệu của con tim, làm cho tâm hồn biết thán phục trước cái đẹp, và biết chùng lòng trước hoàn cảnh xót xa. Vì rằng, một tâm hồn đẹp là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất trên đời”, GS Minh khích lệ các tân sinh viên.

“Học thật” để mai sau góp phần chữa căn bệnh trầm kha “học giả, bằng thật”

GS Minh bày tỏ kỳ vọng, tân sinh viên trường sư phạm sẽ là một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật. Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Kết quả học tập, bằng cấp, bản thân nó xác định nỗ lực và đánh dấu một giai đoạn học tập. Nhưng nội hàm ta thu được là gì và để có thể làm gì cho cuộc sống. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi.

Giáo sư hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kỳ vọng thế hệ sinh viên mới của trường sẽ "học thật", để mai sau ra đời góp phần chữa căn bệnh trầm kha "học giả, bằng thật"

Minh Hằng

Khi xác định được như vậy, thì các em ý thức được việc học; mai ngày các em ra đời sẽ góp phần chữa cái căn bệnh trầm kha “học giả, bằng thật”, “nâng điểm, chạy trường”, không học mà muốn có tấm bằng khoe mẽ với bàn dân thiên hạ thì xấu hổ biết bao. Phải coi tri thức, sự hiểu biết là tiền đề cho sự khai phóng, mà trước tiên là khai phóng cho chính đầu óc của mình.

Làm chủ tri thức là quyền năng vô giá cho quá trình tiến đến sáng tạo, vì rằng có nung nấu bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp mà không có bệ phóng tri thức chắc chắn thì cũng chỉ là hão huyền. Ngay từ bây giờ, các em ý thức sâu sắc rằng, một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất.

GS Nguyễn Văn Minh: "Một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất"

Thanh Hùng

GS Minh nhắn nhủ: “Nhà trường này không áp đặt cách nghĩ lên các em mà chỉ mong muốn là bệ đỡ cho những ý tưởng tốt đẹp, những ý tưởng sáng tạo và cả những ý tưởng táo bạo, những ý tưởng chân chính mà người ta chưa từng nghĩ đến. Nơi đây, không có sự sợ hãi, chỉ có sự tôn trọng và đồng hành. Nơi đây chỉ có khát vọng chứ không có tham vọng.

Để trở thành một con người chân chính, một nhà giáo chân chính là một quá trình khổ luyện. Có những lúc các bất cập gây nên những suy tư, trăn trở, và đâu đó mọi lỗi lầm đều chúng ta hứng chịu, nhưng hãy cố gắng bình tâm, coi đó là bổn phận của chúng ta. Vì không phải chúng ta, thì ai sẽ là người làm thay đổi giáo dục đất nước?

Nghề này không giúp ai được tiền của cả, mà chỉ dẫn dắt thế hệ tương lai đến một tầng cao mới của trí tuệ và tâm hồn; từ đó, họ làm những điều ý nghĩa cho chính họ và cho đất nước; hãy nghĩ đến những người bạn muốn giúp đỡ để hành động, thay vì trách cứ, kêu ca. Liệu rằng, chúng ta có thực sự hạnh phúc để đi gieo hạnh phúc khi cái ăn, cái mặc, gánh nặng gia đình, những luồng dư luận, những quan niệm đang xối vào tâm tư chúng ta?

"Thầy tự hào về các em, những sinh viên dũng cảm"

GS Minh gọi các tân sinh viên trường sư phạm là những người dũng cảm. Trước những tác động nhiều chiều, có lúc xói mòn những tâm huyết của những người đang đứng trên bục giảng, có những tác động làm cho họ suy tư, trăn trở, nhưng các em đã không ngần ngại, sẵn sàng chấp nhận những va đập để tiếp sức cho những gì cao đẹp.

Lựa chọn ngành sư phạm để học giữa bối cảnh niềm tin vào ngành sư phạm của xã hội lung lay, giáo sư hiệu trưởng gọi các tân sinh viên sư phạm là những người dũng cảm

Minh Hằng

Dẫu các em dự đoán được tương lai của mình, dự đoán được những nhọc nhằn phía trước, nhưng các em đã dám đến để mai ngày dám đi muôn phương vì hành trình yêu thương và tiến bộ. Thầy hiệu trưởng trường sư phạm tâm sự: “Các em đã đem đến niềm tin thế hệ cho thầy cô, cho nhà trường và cho đất nước. Thầy tự hào về các em!”.

GS Minh cũng khơi gợi tinh thần trách nhiệm của các tân sinh viên, mong mỏi các em biết nghĩ đến những điều lớn lao và biết vượt thoát lên hoàn cảnh, không phải là những người chỉ biết ngồi kêu ca, trách cứ hoàn cảnh và âu sầu vào lúc bình minh.

Với các em, hãy coi khó khăn, trở ngại là một trải nghiệm thử thách. Đó là quá trình để trưởng thành. Ở đây có nhiều điều bỡ ngỡ, có nhiều điều mới mẻ, và đâu đó cũng có những điều cám dỗ, hãy bản lĩnh để vượt qua; và đừng quên dành cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời của tuổi trẻ.

Hãy xây dựng một bệ phóng vững chắc, bắt đầu từ một sức trẻ, từ một tâm hồn trong sáng, từ một trí tuệ thông minh của những con người thời đại để đạt đến ước mơ. Hãy chào nhau và nở nụ cười mỗi khi gặp gỡ để đem niềm vui đến với mọi người, để lòng thảnh thơi, nhẹ nhỏm mỗi ngày và đến đây là đến với niềm vui.

Nhưng GS Minh cũng kêu gọi mọi người, toàn xã hội hãy công bằng, đừng cắt xén những hạnh phúc còn lại của những người còn dám đối diện với khó khăn, đừng làm tổn thương hơn nữa với những người đi xây đắp tâm hồn, để họ bình tâm làm điều tốt đẹp cho tương lai, cho chính con cái của mỗi gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.