Quyền lực cá nhân là nét riêng độc đáo của PSG

19/08/2022 07:23 GMT+7

Người ta hầu như không thể chấp nhận suy nghĩ, rằng một đội bóng đỉnh cao lại không cần có tiền vệ giỏi hoặc trung phong thực thụ.

Nhưng Liverpool của Juergen Klopp và Man.City của Pep Guardiola đều đã thành công theo chiến lược riêng, dù có vẻ “phản bóng đá” của họ.

Suy cho cùng, bóng đá có những cách làm khác nhau, chứ không có cách nào là đúng hoặc sai, một cách tuyệt đối. Còn khi Guardiola thay đổi chiến lược, tăng cường tiền đạo Erling Haaland, thậm chí thay đổi cách chơi toàn đội vì Haaland, thì đấy lại là chuyện khác. E rằng nay mai, Klopp cũng sẽ tìm mua thêm tiền vệ giỏi!

PSG đang ầm ĩ vì đụng độ giữa các siêu sao như Mbappe, Neymar, Messi

AFP

Bây giờ là chuyện về PSG, đội bóng đang ầm ĩ với “nguy cơ khủng hoảng” vì quyền lực đụng độ nảy lửa giữa các siêu sao như Kylian Mbappe, Neymar, Lionel Messi. Nào là Mbappe xin đá phạt đền nhưng Neymar không cho. Nào là Mbappe cố ý dừng lại, không thèm tham gia một pha phản công đang diễn ra, khi đồng đội không chuyền bóng về phía anh. Rồi Messi và Neymar “lập đội” để chống lại ảnh hưởng của Mbappe trong phòng thay đồ. Thế thì còn gì là một đội bóng? Xin nhắc lại: có những đội bóng khác nhau hoàn toàn. Người ta lo lắng cho HLV Christophe Galtier, chờ xem ông sẽ chấn chỉnh các siêu sao, củng cố tinh thần đồng đội như thế nào, để PSG không tan hoang vì nạn bè phái trong nội bộ. Nhưng nếu không còn quyền lực cá nhân, thì PSG trở thành tập thể tốt… để làm gì?

Đấy là một chiến lược riêng kể từ khi PSG rơi vào tay Tập đoàn QSI giàu sụ. Khoan nói cỡ siêu sao như Messi hay Mbappe, thậm chí Giám đốc kỹ thuật Leonardo (đã nghỉ việc), hoặc Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi đều là ngôi sao. Al-Khelaifi có một đường dây điện thoại riêng, và không ít lần ông đã trực tiếp gọi vào phòng thay đồ để “chỉ đạo chuyên môn”. Môi trường PSG đã là như vậy, từ lâu nay rồi. Vâng, bóng đá là môn đồng đội. Nhưng PSG nêu cao tính đồng đội làm gì, khi đằng nào thì họ chẳng vô địch Ligue 1! Cái logic khiến giới lãnh đạo PSG chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích các ngôi sao o bế “cái tôi” của mình: PSG chỉ đủ tư cách tranh ngôi vô địch Champions League nếu có những siêu sao phát huy được biểu tượng cá nhân của mình.

Khi đàm phán để giữ chân Mbappe, giới lãnh đạo PSG đã hứa hẹn: ngoài lương cao, anh sẽ là thủ lĩnh trong phòng thay đồ. Messi tự biết: anh hết thời đến nơi rồi. Neymar thì quá vô kỷ luật. PSG dĩ nhiên phải chọn Mbappe khi hướng về tương lai. Lo sợ bị Mbappe lấn át, Neymar và Messi mới bắt tay nhau. Cũng có thể hiểu: đấy là Neymar và Messi đang tự đấu tranh sinh tồn, vì cái tôi của chính mình. Giới quan sát cứ việc lo ngại cho PSG, chứ biết đâu Chủ tịch Al-Khelaifi lại đang khoái trá tự nhủ: cứ “đánh nhau” đi nào, xem ai chì nhất!

Nhiều người xem cảnh Mbappe dừng lại khi pha phản công đang diễn ra, rồi vội lên lớp ngôi sao số 1 nước Pháp một cách rất giáo điều: đồ trẻ con, đồ ích kỷ… Kỳ thực, đấy là chi tiết rất nhỏ nhặt (PSG thắng 5-0 và 5-2 trong 2 vòng đầu tiên Ligue 1, có gì là quan trọng đâu - kể cả chuyện Mbappe sút hỏng phạt đền). Họ có biết đâu rằng Mbappe phải làm thế, mới thể hiện được rằng anh “không chịu dừng lại” (ở cuộc cạnh tranh quyền lực). Neymar, Messi, cả Sergio Ramos và nhiều cầu thủ khác nữa, cũng đều phải luôn tận dụng cơ hội để chứng tỏ trước mắt các ông chủ PSG, rằng họ không bao giờ dừng lại trong việc thể hiện dấu ấn cá nhân. Ở PSG mà nhún nhường thì chẳng khác gì tự thải loại. Còn nếu người ngoài dùng “tiêu chuẩn chung” để phán xét những chuyện riêng của PSG, thì kệ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.