Quyền lợi chính đáng của bệnh nhân không thể mập mờ !

16/05/2022 05:58 GMT+7

Việc thanh toán hay không thanh toán bảo hiểm y tế cho dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt tại cơ sở y tế đến chiều tối qua (15.5) vẫn chưa ngã ngũ, dù Bộ Y tế đã đưa ra giải thích 'vẫn thanh toán'...

Như Thanh Niên từ ngày 14.5 đã thông tin, sau khi Bộ Y tế bất ngờ có Công văn 2348 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN về việc bãi bỏ Công văn 2009 ngày 12.4.2018 của bộ này về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện (BV), thì hàng loạt cơ sở y tế, địa phương kiến nghị khẩn cấp phải xem xét lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB). Trước phản ứng của dư luận và người bệnh, kiến nghị của các BV, sáng qua (15.5), Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) có thông tin báo chí liên quan về vấn đề này.

Đóng tiền viện phí tại BV Chợ Rẫy ngày 15.

XUÂN KHÁNH

Thông tin không rõ ràng gây hoang mang

Văn bản của Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở KCB là rất lớn, trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị… còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, các cơ sở KCB đã triển khai nhiều giải pháp để có trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao và bảo đảm người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy”, văn bản nêu.

Về nguyên nhân bãi bỏ Công văn 2009 ngày 12.4.2018, Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng không đề cập cụ thể, mà chỉ nêu: Để bảo đảm thanh toán BHYT đối với hình thức này, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Y tế đã có Công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12.4.2018 gửi BHXH VN về việc thanh toán chi phí KCB BHYT trên máy mượn, máy đặt.

Tiếp theo đó, ngày 2.10.2018, Bộ Y tế và BHXH đã thống nhất việc thanh toán tại Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, trong đó nêu rõ: “Thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT của các DVKT thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký. Sau khi hết hợp đồng, nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở KCB phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ”. Bộ Y tế đã có Công văn 6807/BYT-BH ngày 9.11.2018 sao gửi Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN nêu trên đến các đơn vị và địa phương, và đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN.

“Như vậy, việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6807/BYT-BH ngày 9.11.2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC. Bộ Y tế đang làm việc với BHXH VN để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định”, thông tin từ Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, nêu thêm.

Bình luận về trả lời của Bộ Y tế, lãnh đạo một Sở Y tế cho rằng vấn đề nằm ở chỗ khi bãi bỏ Công văn 2009 mà nếu còn 1 công văn khác (Công văn 6807) có nêu cùng nội dung giống Công văn 2009 nhưng vẫn còn hiệu lực, thì Bộ Y tế phải ghi là thực hiện theo Công văn 6807. “Không ai lại đi bãi bỏ một công văn lưng chừng như vậy cả. Điều đáng nói, Công văn 2348 của Bộ Y tế rất ngắn gọn, chỉ nêu bãi bỏ Công văn 2009...; kính chuyển BHXH VN và các đơn vị biết, triển khai thực hiện, mà không hề kèm theo thông tin Công văn 6807 vẫn còn hiệu lực, việc chi trả cho bệnh nhân BHYT như nói trên vẫn tiếp tục thực hiện. Với một chính sách rất quan trọng, liên quan đến số đông người bệnh, nhưng Bộ Y tế thông tin đột ngột và không rõ ràng đã khiến các BV, bệnh nhân hoang mang, lo lắng”, vị này nói thêm.

Bệnh nhân lo lắng, BV vừa làm vừa run

Cách thông tin thiếu minh bạch của Bộ Y tế đã khiến nhiều BV chưa thể an tâm, thậm chí có BV như BV Hùng Vương (TP.HCM) đã tạm dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT từ máy mượn, máy đặt cho bệnh nhân theo Công văn 2348 của Bộ Y tế và quy định của BHXH VN (đã ban hành Công văn số 1261 gửi BHXH các tỉnh, thành, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT từ máy mượn, máy đặt; tiếp liền sau khi có Công văn 2348) từ ngày 14.5. Theo lý giải của lãnh đạo BV này, chẳng thà chỉ có công văn của Bộ Y tế, đằng này BHXH VN cũng đã có công văn, giấy tờ rõ ràng là không thanh toán thì không ai dám cho bệnh nhân hưởng. “Nếu cho bệnh nhân hưởng mà mai mốt BHYT xuất toán thì làm sao, ai trả phần tiền đó? Không lẽ lấy tiền lương nhân viên ra trả, trong khi nhân viên y tế đã rất cực. Còn khi nào có thông báo tiếp tục chi trả thì BV sẽ áp dụng lại”, vị này nói.

BHXH Việt Nam đề nghị tháo gỡ vướng mắc

Trước ý kiến của Bộ Y tế ngày 15.5 cho rằng việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6807 ngày 9.11.2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn 2009, đại diện BHXH VN cho hay Công văn 2009 của Bộ Y tế là văn bản hướng dẫn thanh toán các DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt. Còn Công văn 6807 của Bộ Y tế là văn bản sao gửi Thông báo kết luận cuộc họp giao ban giữa Bộ Y tế và BHXH VN. “Trong nội dung công văn này (Công văn 6807 - PV) không có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện. Vì vậy, khi Bộ Y tế bãi bỏ Công văn 2009, BHXH VN đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT thực hiện từ máy mượn, máy đặt”, đại diện BHXH VN cho biết.

Từ thực tế trên, BHXH VN cho biết ngày 15.5 đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị tháo gỡ vướng mắc về vấn đề này.

Trong khi đó, nhiều BV khác dù trước mắt vẫn cho bệnh nhân hưởng đầy đủ quyền lợi, nhưng cũng rất tâm tư. Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua (15.5), PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất TP.HCM, cho biết BV cũng đã kiến nghị Bộ Y tế, BHXH VN và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục cho thanh toán chi phí DVKT trên máy mượn, máy đặt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng chính thức có ý kiến, BV Thống Nhất vẫn cho bệnh nhân hưởng đầy đủ quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, không thu phí xét nghiệm. “Việc của BV là KCB và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Thanh toán hay không thanh toán thì các cơ quan nhà nước phải ngồi lại tìm ra giải pháp, chứ không thể vì chuyện này mà bắt bệnh nhân chịu”, PGS-TS Lê Đình Thanh nói.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng tiếp tục kiến nghị BHYT tiếp tục thanh toán DVKT trên máy mượn, máy đặt. Dù rất lo lắng nhưng hiện BV vẫn phải cho bệnh nhân hưởng đầy đủ quyền lợi, bởi bệnh nhân là đối tượng số 1 để phục vụ. BV hoạt động là vì bệnh nhân. TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cũng thông tin BV vẫn cho bệnh nhân được hưởng quyền lợi như bình thường vì có rất nhiều bệnh nhân nghèo.

Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến nên BV vẫn chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo, nhưng hiện BV vẫn cho bệnh nhân ung thư hưởng quyền lợi BHYT như bình thường. Sau này, nếu BV không được BHYT thanh toán lại, thì không có nguồn mua hóa chất để xét nghiệm, dẫn đến các công ty không cung ứng hóa chất thì cuối cùng ngưng hoạt động xét nghiệm.

BV lo một, về phía bệnh nhân còn hoang mang mười. Chị N.T.T (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nhập BV Hùng Vương để theo dõi thai đến khi sinh, đã tạm ứng chi phí xét nghiệm, thăm khám khoảng 24 triệu đồng, theo diện có hưởng BHYT, cho biết nếu không được thanh toán chi phí DVKT thực hiện từ các máy đặt, máy mượn, sẽ chưa biết tìm đâu khoản bù vào hàng chục triệu đồng. Tương tự, anh T.V.T, có người nhà đang điều trị tai nạn tại BV Chợ Rẫy, cho biết khi đến BV, bệnh nhân thường làm rất nhiều xét nghiệm, nếu không có BHYT hỗ trợ 80% chi phí xét nghiệm thì nhiều người sẽ không gánh nổi. “Nếu dừng thanh toán theo chế độ BHYT như vậy thì mua BHYT để làm gì nữa”, anh T. bức xúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.