Quyền được thông tin

11/11/2015 05:13 GMT+7

Sau nhiều lần bị gián đoạn do có những quan điểm khác nhau, hôm nay, dự án luật Tiếp cận thông tin sẽ chính thức được trình ra QH, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2016.

Sau nhiều lần bị gián đoạn do có những quan điểm khác nhau, hôm nay, dự án luật Tiếp cận thông tin sẽ chính thức được trình ra QH, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2016.

"Hãy để mọi công dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức như đất đai, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục… theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013" là mục tiêu của dự luật này.
Công bằng mà nói, pháp luật hiện hành của chúng ta đã ghi nhận và tạo sự tương thích của quyền tiếp cận thông tin với quan niệm về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và luật về tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới. Song trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân vẫn khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được. Thế nên, điều dư luận quan tâm ở dự luật lần này không phải ở các loại thông tin phải được công khai mà chính là tính hiệu lực của các quy định. Luật dù có, quy định dù đủ, nhưng nếu các công chức, các cơ quan nhà nước không nhận thức rằng, tiếp cận thông tin không chỉ là quyền cơ bản của công dân (được quy định trong Hiến pháp), mà nó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với công dân, thì quyền này cũng không có trên thực tế.
Thực tiễn chứng minh, ở đâu có độc quyền và bưng bít thông tin thì tham nhũng, tiêu cực có cơ hội hoành hành; ở đâu có minh bạch và trách nhiệm giải trình thì tham nhũng, tiêu cực bị đẩy lùi. Do vậy, luật Tiếp cận thông tin nếu thực hiện tốt, không chỉ để thi hành quyền hiến định của công dân mà nó giúp cho bộ máy chính quyền vận hành hiệu lực và trong sạch hơn.
Bộ nguyên tắc về tự do thông tin được công bố bởi Article 19 - một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên hoạt động thúc đẩy quyền tự do biểu đạt và thông tin trên thế giới, hiện đang được coi là tiêu chuẩn để các quốc gia tham khảo khi xây dựng luật Tiếp cận thông tin. Trong đó, đề cao các nguyên tắc như “Tối đa” (tất cả thông tin của các cơ quan công quyền cần phải được công khai); nguyên tắc “Chính quyền mở” (các cuộc họp của cơ quan công quyền phải được công khai trước công chúng, bảo đảm quyền được biết của công chúng về những công việc do chính quyền thực hiện); hay như nguyên tắc “Công khai quyền ưu tiên” (các ngoại lệ đều phải quy định trong luật Tiếp cận thông tin và không được phép mở rộng), là để ngăn chặn tình trạng đóng dấu “mật” tràn lan, tạo ra quá nhiều thông tin ngoại lệ, “đóng” đối với công chúng…
Và rất nhiều các nguyên tắc tối thiểu khác, để bảo đảm nội hàm của quyền tiếp cận thông tin bao gồm đầy đủ 3 yếu tố: tự do tìm kiếm, tự do tiếp nhận và tự do truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.