Quyền được chết của... con người!

Đầu tháng 6.2016, Hạ viện Canada đã thông qua luật Trợ tử - viết tắt là C14, do chính phủ Canada dự thảo. Bộ luật mới này chỉ còn đợi toàn quyền Canada phê chuẩn là sẽ có hiệu lực thi hành trên toàn quốc.

Nói về bộ luật này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi đây là “một bước tiến lớn của xã hội”.
Mỗi con người được sinh ra đều có quyền sống, quyền tự do, quyền được hưởng những hạnh phúc về tinh thần và vật chất của đời sống làm người. Hệ thống luật pháp của quốc gia nào cũng nêu rõ các quyền ấy của con người, xem sự sống (sinh mạng) của con người là cao nhất; nghiêm cấm và trừng phạt nặng tất cả các hành vi xâm phạm sinh mạng con người. Chính vì vậy, luật pháp được xem là giàu tính nhân văn, nhân hậu.
Con người là trung tâm của xã hội, của đất nước. Việc ca ngợi đời sống con người, ca ngợi những hoạt động hữu ích nhằm bảo vệ, phát triển, làm đẹp thêm phẩm giá và đời sống của con người luôn luôn được coi là tích cực. Ở mặt ngược lại, việc nói đến cái chết của con người được coi là tiêu cực.
Ngay trong triết lý siêu hình học, ba câu hỏi căn bản “Người là ai? Từ đâu đến? Về nơi đâu?” - vốn chỉ là những vấn đề đặt ra cho tư tưởng phát biểu và phản biện, cũng bị xem là tiêu cực bởi vế thứ ba “Về nơi đâu?” là nói đến cái chết mà con người phải chịu.
Đối với các tôn giáo, cái chết cơ bản không có gì nặng nề, chuyện nói đến cái chết cũng không có gì là tiêu cực bởi hễ đã làm người thì phải đi qua cánh cửa đó. Kinh điển của Bái hỏa giáo Ba Tư (Manichéisme) có câu: “Chợt đến như dòng nước chảy/Và tàn như gió qua mau/Chẳng biết từ đâu mà đến/Và chẳng biết về nơi đâu” (Lai như thủy hề, thệ như phong/ Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung).
 Đạo Thiên Chúa thì tin rằng một tín đồ sống đời công chính bác ái, khi chết đi thì chỉ là trở về với Chúa, được cái hạnh phúc thấy mặt Đức Chúa sáng láng vui vẻ vô cùng. Đạo Phật thì tin rằng ngày con người qua đời là một ngày vui lớn: “Hôm nay, ngày vui lớn/Rũ bỏ xác thân này/Không lo và không giận/Chẳng đáng mừng lắm thay?” (Kim nhật đại hoan hỷ/Xả ức nguy thúy thân/Vô ưu diệc vô sân/Ninh bất đương hân khánh).
Tuy nhiên, dù xem cái chết là chuyện bình thường, các tôn giáo cũng đồng ý với hệ thống pháp luật các quốc gia là không cho phép thực hiện các hành vi nhằm cướp đoạt hay xâm phạm sự sống của con người. Những ai cướp đoạt hay xâm phạm sự sống của con người đều bị lên án là kẻ phi nhân, tàn bạo.
Nhân danh lòng nhân ái, mọi người bình thường như chúng ta đều mong người khác được sống ấm no, hạnh phúc. Nếu đời sống ấy đang bị đe dọa bởi các chứng bệnh hiểm nghèo hay các tai nạn bất ngờ thì chúng ta vẫn mong các thầy thuốc cố gắng chữa trị để giành lại sự sống cho đồng loại, đồng bào của mình.
Đến đây, có vẻ như gánh nặng giữa sự sống và cái chết lại được đặt trên đôi vai của ngành y nói chung và các thầy thuốc nói riêng. Trong những lời thề nghề nghiệp mà các vị bác sĩ đã từng giơ tay tuyên thệ, có nội dung tích cực cứu chữa giành lại sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có những căn bệnh diễn tiến đến thời kỳ cuối, gây ra đau đớn triền miên cho bệnh nhân thì chỉ có người thầy thuốc mới biết rõ hơn ai hết ca bệnh đó là vô phương cứu chữa. Trong trường hợp này, việc kéo dài nỗi đau đớn của bệnh nhân là điều không cần thiết và nghiêm trọng hơn, là trái với tinh thần nhân đạo. Người thầy thuốc không dám tự quyền quyết định mà phải cần đến sự cho phép của luật Trợ tử - luật cho phép bệnh nhân được quyền chọn cái chết.
Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Columbia, Romania... đã cho phép những người bệnh trầm kha, đau đớn được quyền chọn cái chết êm ái, nhẹ nhàng với sự trợ giúp của các thầy thuốc. Luật Trợ tử mới đây của Canada đang chờ toàn quyền phê chuẩn cũng nằm trong tinh thần đó. Luật cho phép các công dân trên 18 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được, đang chịu sự đau đớn thân xác, xin được chết với sự đồng ý của những người thân yêu trong gia đình và sự trợ giúp của các bác sĩ hay nhân viên y tế. Ở chừng mực nào đó, việc giải thoát con người ra khỏi vĩnh viễn những đau đớn thể chất bằng một cái chết nhẹ nhàng được coi là hành động nhân hậu, nhân văn.
Anh lính kỵ binh cưỡi con chiến mã xông pha ra chiến trường, con chiến mã trở thành bạn bè, đồng đội yêu quý của chính anh. Thế nhưng, có nhiều trường hợp chiến mã bị thương, không chạy được nữa, nằm một chỗ và hí lên những tiếng đau đớn. Chiến trường đang khẩn cấp, gặp tình trạng này người kỵ binh phải làm sao?
Quy định của kỵ binh trong các thời kỳ Sa hoàng Nga, Hoàng đế Napoléon Pháp, nội chiến nam - bắc ở Mỹ cho phép anh kỵ binh bắn phát đạn ân huệ sau cùng vào con ngựa yêu quý của mình để giải thoát nó ra khỏi cơn đau đớn vô ích. Người thầy thuốc (hay nhân viên y tế) của các quốc gia có luật Trợ tử cũng làm động tác tương tự: Chích một mũi thuốc cho người bệnh của mình qua đời êm ái sau khi các thủ tục pháp lý đã hoàn thành.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia chưa có luật Trợ tử ra đời, những thầy thuốc nào giúp cho bệnh nhân của mình chết đi thì bị xem là tội phạm giết người. Một số thầy thuốc nóng vội, quá hăng hái với… nghiệp vụ trợ tử, đã cho một số bệnh nhân của mình ra đi vĩnh viễn và trở thành kẻ phạm tội trước luật pháp quốc gia. Nữ bác sĩ gốc Hoa Hsiu Ying Lisa Tseng ở Mỹ đã có “thành tích” tiễn 8 bệnh nhân của mình về bên kia thế giới, trong đó có một bệnh nhân gốc Việt là Vu Nguyen. Thủ pháp cơ bản của nữ bác sĩ này là ra toa thuốc có liều ma túy cao và bảo đảm “thân chủ” của bà sẽ ra đi trong vòng 3 phút.
Bác sĩ Harold Shipman người Anh có lẽ xứng danh “thầy thuốc tử thần” khi trong 23 năm làm bác sĩ, ông đã “tiễn đưa” 215 người bệnh về cõi hư vô. Công việc của ông kín kẽ đến nỗi thấy “thân chủ” của ông “biến mất” nhiều quá, cơ quan cảnh sát Anh mới điều tra và bắt giữ ông hồi tháng 1.2010.
Trong số thân chủ của Shipman, có đến 171 người là phụ nữ, người già nhất 93 tuổi, người trẻ nhất 47 tuổi. Thủ pháp của Shipman là sau khi người bệnh và gia đình yêu cầu, ông tiêm cho mỗi người một mũi thuốc “hoạt huyết”. Vậy là họ âm thầm lìa đời. Khai báo với nhà chức trách Anh, ông thú nhận đã tiêm… thuốc độc cho 15 người theo “đơn đặt hàng” của họ.
Như vậy, hành vi giúp người khác chết ở một nước có luật Trợ tử thì được coi là hợp pháp, ở một nước không có luật Trợ tử thì bị coi là tội phạm. Vấn đề phạm tội hay không phạm tội là tùy thuộc vào những quy định của luật pháp chứ không nằm ở lĩnh vực lương tâm y học nữa. Do đó mà quyền được chọn cái chết của những bệnh nhân nan y cũng được quy định rất rõ trong luật pháp của từng quốc gia có luật Trợ tử.
Trong thực tế, có những người mạnh khỏe tự cho mình cái quyền tự tử, đã chọn cái chết bất ngờ, đem lại sự đau xót cho những người thân yêu, khiến trật tự, an ninh xã hội bị rối loạn; các thầy thuốc và ngành y rất mệt mỏi. Hành vi tự tử được xem là vô cùng tiêu cực. Cá biệt có một số người già bị bệnh nan y, chịu không nổi sự đau đớn, đã yêu cầu gia đình xin các thầy thuốc cho… rút ống thở.
Cũng có một vài trường hợp bị chấn thương sọ não, bị huyết áp hay tim mạch trầm kha được gia đình hội ý đồng thuận xin bác sĩ “cho về nhà”. Ở cả hai trường hợp này, người thầy thuốc bị đặt trong tình trạng phải chọn lựa, xem quyết định nào là phù hợp với tinh thần nhân đạo nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.