Quy tắc 55/5 dễ làm nhưng cực hay để cải thiện mức đường huyết

Thiên Lan
Thiên Lan
18/04/2023 00:08 GMT+7

Lượng đường trong máu nếu thường xuyên tăng đột biến sẽ là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với bệnh tiểu đường, như gặp các biến chứng về tim, thận và thị lực. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường phải cẩn thận trong việc giữ đường huyết ở mức ổn định.

Mọi người đều đã biết chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến lượng đường trong máu, và chọn đúng loại thực phẩm, đúng liều lượng có thể giúp giảm mức đường huyết.

Đặc biệt, hoạt động thể chất cũng có thể đóng một vai trò trong việc ổn định lượng đường trong máu, theo tờ Express.

Quy tắc 55/5 dễ làm nhưng cực hay để cải thiện mức đường huyết - Ảnh 1.

Đối với người phải ngồi trong thời gian dài trong ngày, áp dụng quy tắc 55/5 có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và insulin sau bữa ăn

Shutterstock

Một chuyên gia đã chia sẻ một cách đơn giản để kết hợp tập thể dục vào thói quen hằng ngày nhằm ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.

Chuyên gia Hayley Weaver, nhà sinh lý học sức khỏe hàng đầu của Nuffield Health - Tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Anh, khuyến nghị áp dụng quy tắc 55/5 cho những người thường phải ngồi nhiều.

Cô Weaver nói: Đối với người phải ngồi trong thời gian dài trong ngày, áp dụng quy tắc 55/5 có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và insulin sau bữa ăn.

Quy tắc chỉ đơn giản là cứ sau 55 phút ngồi, hãy đứng dậy và vận động trong 5 phút, theo Express.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm quan trọng của hoạt động thể chất đối với bệnh nhân tiểu đường.

Một nghiên cứu, đăng trên tạp chí khoa học Scientifica năm 2016, cho thấy tập thể dục nhẹ sau khi ăn là một cách hiệu quả để ngăn ngừa mức đường huyết tăng đột biến.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy tập aerobic cường độ nhẹ nhàng trong 60  phút, hoặc tập với cường độ vừa phải trong 20 - 30  phút, bắt đầu vào lúc 30  phút sau bữa ăn có thể ngăn chặn đường huyết tăng đột biến.

Quy tắc 55/5 dễ làm nhưng cực hay để cải thiện mức đường huyết - Ảnh 2.

Quy tắc chỉ đơn giản là cứ sau 55 phút ngồi, hãy đứng dậy và vận động trong 5 phút

Shutterstock

Hoạt động thể chất là cách tốt nhất để chống lại tăng đường huyết sau bữa ăn vì nó giúp giảm việc phải dùng thuốc. Đó là công cụ độc đáo dễ áp dụng để khống chế lượng đường tăng vọt sau bữa ăn, các tác giả nghiên cứu cho hay.

Chuyên gia Weaver cũng khuyến nghị nên tập thể dục 3 lần một tuần để giúp ổn định lượng đường trong máu.

Cô nói: Tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, với cường độ vừa phải, các bài tập như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội đều có lợi; bất kỳ hoạt động nào, miễn có vận động là đã tốt hơn không tập gì cả, theo Express.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.