Quy hoạch trong bất định

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/06/2022 04:17 GMT+7

Nói về công tác quy hoạch trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có một đúc kết thấm thía: “Nhiều khi không có quy hoạch đã khó mà có quy hoạch rồi lại khó hơn”.

Ông Hoan nói vào năm 2017, ông khi đó cũng là một đại biểu Quốc hội, như rất nhiều đại biểu khác đã rất háo hức khi bấm nút thông qua luật Quy hoạch với mong muốn những câu chuyện vướng mắc về quy hoạch sẽ được khắc phục. Thế nhưng, ông Hoan cho rằng sự kỳ vọng quá lớn đã khiến chúng ta thất vọng nhiều hơn.

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội đã chỉ rõ: quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Tới nay, sau 5 năm bấm nút thông qua luật, chỉ mới 7 trong tổng số 111 quy hoạch trong luật định được ban hành. Nhiều đại biểu Quốc hội có chung một câu hỏi: không hiểu vì sao việc quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc tới như vậy?

Nhiều người “đổ lỗi” cho khái niệm mới được đưa ra trong luật Quy hoạch là “quy hoạch tích hợp”, cho rằng việc tích hợp hàng trăm loại quy hoạch với phạm vi, đối tượng, nội dung, phương pháp… khác nhau là hoàn toàn bất khả. Trong khi đó, có đại biểu lại nói chúng ta đang hiểu tích hợp một cách máy móc khi cho rằng đó là phép cộng cơ học của các quy hoạch riêng lẻ thành quy hoạch chung.

Cuộc tranh cãi có lẽ sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Nhưng đúng như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, để lý giải câu chuyện này, cần phải “tĩnh tâm một chút” để nhìn sâu hơn, vượt ra khỏi mớ bòng bong trước mặt.

Theo người đứng đầu ngành NN-PTNT, thời đại chúng ta đang sống được quy định bởi bốn chữ viết tắt tiếng Anh là VUCA tức là biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity), mơ hồ (Ambiguity). Sự thay đổi trên thế giới nhanh tới mức độ cái mới ra đời chưa kịp định hình thì đã có cái mới hơn xuất hiện. Do đó, việc ấn định một cái quy hoạch để định hình cho 5 năm, 10 năm hay thậm chí vài chục năm của tương lai luôn thay đổi là “không đơn giản chút nào”.

Ông Hoan dẫn chứng cách đây nhiều năm, chúng ta thấy rằng tủ ATM của ngân hàng đầy rẫy ở các vỉa hè nhưng rõ ràng bây giờ công nghệ trong lĩnh vực này đã tạo ra rất nhiều loại hình thay thế. Chúng ta cũng không tưởng tượng được khi có dịch Covid-19, thị trường đã bị đứt gãy như thế nào hay cuộc xung đột ở Ukraine sẽ diễn biến ra sao…

Bộ trưởng NN-PTNT nhận định đứng trước sự thay đổi rất nhanh chóng về mặt khoa học, công nghệ, thị trường cũng không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ. Ông kiến nghị: nên chia làm 2 mức độ sẽ thể hiện trong các quy hoạch, tức là phần cứng là phần nhà nước can thiệp được và phần thứ hai là chúng ta để một dung lượng, một không gian để thị trường tự điều chỉnh.

Những kiến nghị của ông Hoan là rất đáng suy nghĩ. Trả lại cho quy hoạch một không gian linh hoạt để có thể thích ứng với thay đổi liên tục của thực tại chính là điều đầu tiên cần phải nghĩ tới khi lập quy hoạch. Bởi nếu không, những quy hoạch được ấn định một cách cứng nhắc đến lượt nó sẽ trở thành thứ bó buộc mọi sự phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.