Quy hoạch đô thị sinh thái cho ĐBSCL

15/11/2022 14:00 GMT+7

Đô thị sinh thái không chỉ là trồng nhiều cây nuôi nhiều con, mà là chọn lọc trồng đúng loại cây phù hợp, nuôi đúng động vật bản địa phù hợp với địa hình địa mạo, thổ nhưỡng khí hậu của địa phương đó, và tránh sự trùng lặp quá nhiều với những địa phương khác.

Để văn hóa Nam bộ hòa trong dòng chảy đương đại

Các mô hình nhà vườn, đồng ruộng, nông trường, trang trại, rừng bảo hộ, rừng thứ sinh… tại ĐBSCL cần được quy hoạch theo ba hướng cụ thể. Đó là quy hoạch sản xuất chuyên canh, thâm canh; sản xuất truyền thống kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; sản xuất bảo tồn và du lịch trải nghiệm. Cả ba mô hình này đều gắn kết mật thiết với công nghệ cao.

Chợ nổi Cái Răng là nét văn hóa đặc biệt ở ĐBSCL

duy tân

Sản xuất truyền thống nói chung và sản xuất nông nghiệp truyền thống nói riêng trở thành một ngành tổng hợp của sản xuất và du lịch nghỉ dưỡng. Hoạt động du lịch cùng một hình thức nhưng sẽ khác hẳn nhau ở từng địa phương. Ví dụ, bơi xuồng ở Cần Thơ là bơi giữa vườn dâu da mà tỉnh khác không có, ăn măng cụt và đào củ lùn khi người ta có thể câu cá gì cũng được, nhưng vừa ăn dừa sáp vừa câu cá bông lau thì đến Trà Vinh.

Điều quan trọng hơn hết là phải quy hoạch cơ sở vật chất theo hướng thuận tiện nhưng không mất chất dân dã. Hạn chế tối đa khu vực sản xuất truyền thống bị bê tông cốt thép quá nhiều, có thể cấu trúc bên trong là bê tông cốt thép, nội thất hiện đại, tối tân nhưng bên ngoài sẽ là những vật liệu tự nhiên, tinh thần như đường sẽ là đường đá, mái lợp lá lợp tôn, nhà sàn trên mặt nước. Đẩy các dịch vụ trải nghiệm tự nhiên, thiên nhiên và văn hóa sông nước, văn hóa ẩm thực, đời sống tinh thần thôn dã nhưng không thiếu thốn và cũ kỹ; kết hợp với hoạt động nuôi trồng (cả ở khu công nghệ cao và khu truyền thống), đánh bắt sản vật, tham gia chế biến, sản xuất nông sản để đẩy mạnh du lịch theo hướng trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Thiết lập các thị trấn ngoại vi, đảm bảo sự kết nối công nghệ thông tin với khu vực sản xuất và nội đô, đồng thời cũng là một tiểu vùng quy hoạch đô thị văn hóa thu nhỏ, phân phố dân cư theo chiều ngang đúng nghĩa theo mô hình đô thị bền vững có tỷ lệ cây xanh trên đầu người cao tối thiểu 20m2, với tỷ lệ diện tích xanh tối thiểu chiếm 30% trên mỗi cây số vuông.

Những thị trấn này phải tập trung đánh mạnh vào các thành phẩm từ đặc sản, sản vật, văn hóa địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh về ẩm thực truyền thống mang tính đặc thù, bên cạnh những món phổ thông khác, nhằm đáp ứng sự khác nhau theo vùng, thành phố, khu vực trong cùng một loại sản phẩm. Tinh thần chính phải là hội nhập tối đa, bảo tồn tối đa. Để văn hóa Tây Nam bộ hòa trực tiếp thành một dòng văn hóa đương đại Á Đông đặc thù.

Phải giữ được cái hồn cốt lõi trong điều kiện vùng miền

Với sản xuất bảo tồn, cách khai thác tốt nhất đó là phục hồi văn hóa truyền thống thật đậm đặc, lại cổ, nệ cổ. Với văn hóa, nghệ thuật là phục dựng, tái lập, tái tạo những văn hóa đã mất; sáng tạo, kế lập, kế tục những văn hóa mới đương đại, biến đời sống tinh thần ở mức độ hài hòa của khu vực sản xuất truyền thống thành một nghi lễ. Bởi lẽ, đây sẽ là không gian lưu trữ tuyệt đối, lưu giữ những gốc văn hóa, tư duy văn hóa và lối sống văn hóa đậm đặc đến mức đưa lên mức di sản văn hóa.

Cây bẹo "quảng cáo" sản phẩm ở chợ nổi Cái Răng

duy tân

Đô thị văn hóa chính là cốt gốc sống còn của đô thị Á Đông trong thời đại mới. Dòng chảy văn hóa có thể khiến chúng ta học hỏi, tái phục dựng, sáng tạo mới những loại hình nghệ thuật dân gian, tâm linh dân gian, di tích dân gian, ẩm thực… Điều quan trọng là phải xác định rõ cái tinh thần, cái hồn cốt lõi gắn chặt với điều kiện địa lý của từng vùng, từng tỉnh thành, từng khu vực để tiếp tục giữ lại cái hồn cốt đó, phát triển thành những hình thức văn hóa mới với tư duy thời đại mới bằng một thái độ tôn trọng và chiến lược, chính sách rõ ràng về an sinh.

Chúng ta không thể giữ mãi chợ nổi Cái Răng đúng như nguyên bản 40 năm trước; nhưng cũng phải cứ bỏ mặc đời sống thương hồ không thể đảm bảo trên ghe bẹo, để tư duy cơm áo gạo tiền đưa đẩy họ rời khỏi đời sống nước và chợ nổi biến mất thế là xong. Chúng ta cần phải bắt được cái tâm hồn thương hồ là tự do phóng khoáng, hiểu được cái nết cái tính cái thú thương hồ xởi lởi thân tình, phải thấy cái đẹp cốt lõi trong hoạt động giao thương trên sông không chỉ là nơi quy tập hàng hóa từ năm sông bảy biển với giá rất rẻ mà là cái cách người bán cho người thế nào trên sông nước. Một tô bún riêu trên ghe thì sẽ đặc sắc hơn trên bờ trước tiên vì chiếc ghe di động.

Nếu đó không chỉ là chợ mà còn là một không gian nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, biểu diễn, những loại hình đặc biệt chỉ có vài ngày này mà không có những ngày khác, cùng bún đặc sản, nguyên liệu đặc sản, công thức không trùng ai thì cái người hưởng thụ sẽ là hưởng thụ toàn bộ không thời gian đó. Khi ấy, người bán trên ghe bẹo không chỉ là bán hàng, không chỉ là người làm du lịch mà người làm văn hóa, bán không gian văn hóa, tất yếu đời sống của họ cũng sẽ tăng lên về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Văn hóa của người Tây Nam bộ sớm đã gắn liền với đời sống sinh thái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.