Quy hoạch đô thị lúng túng, chậm chạp sẽ lãng phí nguồn lực

Mai Hà
Mai Hà
01/12/2022 06:27 GMT+7

Sáng 30.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để Nghị quyết 06-NQ/TW về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, Chính phủ đã có Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ. Theo đó, đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa VN thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022

TTXVN

TP.HCM thành cực kinh tế biển, Hà Nội xây “thành phố trong thủ đô”

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM khẳng định với tư cách là đô thị đặc biệt, TP.HCM nắm giữ vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Nam. Kinh tế TP.HCM còn gắn kết với tiềm năng lớn trong liên kết phát triển kinh tế biển. “TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất VN - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ”, báo cáo của TP.HCM nêu.

Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm... và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đáng chú ý, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, định hướng phát triển TP.Thủ Đức phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TP.HCM và vùng TP.HCM.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị trong thời gian qua cũng để lại nhiều tồn tại, hạn chế cho TP.HCM như tình trạng kẹt xe, ngập nước, các vấn đề hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch; các chương trình như nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân thuê, nhà ở ven kênh rạch, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ… còn chậm, chưa đạt được kết quả.

Về phía Hà Nội, TP cho biết sẽ hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển TP thuộc thủ đô đảm bảo kết nối với các tỉnh, TP xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng. Phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối nội vùng và liên vùng, trọng tâm là xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.

Thách thức quá tải hạ tầng, ngập lụt đô thị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Thủ tướng cũng nêu rõ bên cạnh nhiều kết quả đạt được rất quan trọng, đô thị VN cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và thách thức, như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội; ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, nhất là khi có diễn biến bất thường như đại dịch Covid-19, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi…

Thủ tướng nhấn mạnh chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

“Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển”, Thủ tướng lưu ý. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 11 nhóm chỉ tiêu cụ thể: tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại 3 trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.