Quy hoạch điện 8: Hướng tới ‘phát thải ròng bằng 0’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
21/11/2021 11:57 GMT+7

Theo các chuyên gia, nghiên cứu Quy hoạch Điện 8 cần chỉ ra các kịch bản và lộ trình để hướng tới “phát thải ròng bằng 0” trong đó cho phép phát triển các loại hình nguồn điện phát thải thấp hoặc không phát thải.

Ưu tiên năng lượng tái tạo

Phát thải ròng bằng 0 là “Khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định”. Các nhà khoa học đã chứng minh cần phải đưa thế giới về trạng thái phát thải ròng bằng không (net-zero emission) càng sớm càng tốt, chậm nhất là vào năm 2050, để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Vì vậy, hội nghị lấy ý kiến cho Quy hoạch Điện 8 của Chính phủ kết thúc hôm thứ 6 vừa qua nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia, doanh nghiệp khi thể hiện rõ cam kết ưu tiên năng lượng sạch và việc phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo âu về một lộ trình lẫn kế hoạch cụ thể để các mục tiêu phát triển xanh mang tính khả thi cao.

Về nội dung của bản dự thảo Quy hoạch Điện 8 mới nhất, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh rằng “phương án điều hành đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP26”. “Quan điểm lớn là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế”, ông An nói.

Sẽ có khoảng 17.000 MW điện gió trên bờ được xem xét trong Quy hoạch Điện 8?

CTV

Ngay sau hội nghị của Chính phủ kết thúc, từ Brusels, Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) đã phát đi thông cáo báo chí bày tỏ sự tán thành đối với bản dự thảo mới. “Đẩy mạnh phát triển năng lượng gió là giải pháp then chốt giúp Việt Nam và thế giới triển khai các cam kết về chống biến đổi khí hậu cũng như xây dựng Quy hoạch Điện 8 phù hợp với xu thế của tương lai. Điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác là những giải pháp bản lề cho tương lai phát thải carbon thấp”, thông cáo từ Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC bày tỏ.

GWEC cho hay, tổng công suất điện gió toàn cầu đã đạt mức 750.000 MW, với mức kỷ lục 93.000 MW được lắp đặt vào năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cho thấy sức hấp dẫn của loại hình năng lượng này. Do đó, tổ chức này “ủng hộ việc đưa ra mục tiêu công suất 17.000 MW cho điện gió trên bờ vào năm 2030” cũng như tin rằng mục tiêu cho điện gió ngoài khơi dù vẫn đang được xem xét ở Quy hoạch Điện 8 nhưng “hoàn toàn khả thi, dựa trên những tính toán từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới”.

Tính toán nguồn lực để hiện thực hóa các kịch bản phát thải thấp

Dù đánh giá cao tư tưởng cập nhật của dự thảo Quy hoạch sau cam kết tại COP 26, song Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR) cũng thể hiện nhiều âu lo.

Ông Nguyễn Hoàng Thông, chuyên gia quy hoạch kế hoạch của CEGR kiến nghị rằng, cần cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ tại COP 26 bằng các kịch bản/lộ trình phù hợp. “Nghiên cứu Quy hoạch Điện 8 cần chỉ ra các kịch bản và lộ trình để hướng tới “phát thải ròng bằng 0” trong đó cho phép phát triển các loại hình nguồn điện phát thải thấp hoặc không phát thải; đồng thời xem xét đến công nghệ thu hồi tích trữ carbon và chỉ ra chi phí để thực hiện kịch bản này là bao nhiêu”, ông Thông lưu ý.

Đặc biệt, ông Thống nhấn mạnh, các kịch bản này cần chỉ rõ mức độ hỗ trợ tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực mà cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ cho mỗi giai đoạn cụ thể, trên cơ sở đó sẽ cho phép Việt Nam huy động nguồn lực đầu tư để hiện thực hóa các kịch bản phát thải thấp hơn này. “Để cộng đồng quốc tế có thể cam kết hỗ trợ, Việt Nam cũng cần chỉ ra rằng mình cần được hỗ trợ cái gì, hỗ trợ bao nhiêu tài chính”, ông nói và lưu ý rằng, nội dung này cần nghiên cứu và công bố.

Năng lượng tái tạo, nhất là điện gió sẽ rộng cửa hơn với dự thảo mới nhất của Quy hoạch Điện 8

ngọc thắng

Ngoài ra, chuyên gia của CEGR cũng cho rằng, về kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8, cần có các cơ chế mạnh mẽ để rà soát và cập nhật quá trình thực hiện dựa trên thực tế triển khai các dự án. “Kế hoạch hàng năm này là một công cụ tốt để linh hoạt điều chỉnh nhằm tối ưu hóa đầu tư cho ngành điện. Quy trình lập và triển khai kế hoạch thực hiện hàng năm cần được thể chế hóa bởi cấp có thẩm quyền cao nhất, đồng thời cần đảm bảo rằng việc xây dựng và triển khai quy trình được thực hiện một cách minh bạch”, ông Thông nói thêm.

Trong đó, về nguồn điện, CEGR đề xuất quy hoạch “không nên tự ràng buộc về tổng công suất nguồn điện vào năm 2030”. Theo đó, để đáp ứng cùng một nhu cầu phụ tải thì cần công suất nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với phương án sử dụng nguồn truyền thống. Cho nên nếu tổng công suất nguồn vào năm 2030 bị giới hạn sẽ khiến không khai thác hết tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo.

“Còn với điện gió ngoài khơi, vì tính phức tạp và quy mô dự án lớn, nên bổ sung dự án trình diễn vào giai đoạn trước 2030, và xem xét tăng lên trong các giai đoạn tiếp theo, điều này để giúp tránh các rủi ro không kịp triển khai, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng”, ông Thông bày tỏ.

Kết luận hội nghị nói trên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo. Trong đó, bám sát để có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải các bon, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp ưu tiên phát triển các công nghệ lưu trữ; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện. Phó thủ tướng khẳng định, Việt Nam quyết tâm chuyển đổi dần, từng bước sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong xây dựng và phê duyệt quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ bảo đảm tuyệt đối minh bạch, khách quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.