Quy hoạch ách tắc gây lãng phí, trách nhiệm thuộc về ai?

31/05/2022 06:06 GMT+7

Luật Quy hoạch nhiều bất cập dẫn đến việc lập, phê duyệt quy hoạch ì ạch. 7 trong 111 quy hoạch mới được lập đã bất cập. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn: Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?

Vừa phê duyệt đã bất cập

Ngày 30.5, tiếp tục kỳ họp thứ 3 QH khóa XV, QH thảo luận về công tác quy hoạch từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực. Báo cáo của Đoàn giám sát QH do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do luật này còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Đến nay, mới chỉ 7 trong 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt, trong đó có 1 quy hoạch quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành. Đáng nói, ngay 7 quy hoạch mới được phê duyệt cũng bộc lộ ngay bất cập. Chẳng hạn, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP.HCM và vùng miền Đông Nam bộ.

Nhiều đại biểu bức xúc về vấn đề quy hoạch

Đình Sơn

4 quy hoạch ngành, quốc gia trong lĩnh vực GTVT chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải…

Thảo luận sau đó, nhiều ĐB cho rằng sự chậm trễ trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch đang làm ách tắc, lãng phí nguồn lực phát triển KT-XH. “Chưa có quy hoạch thì biết đầu tư ở đâu? Như vậy, có phải chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội trong phát triển KT-XH và trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?”, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nói.

Nêu băn khoăn: “Tại sao công tác quy hoạch theo luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy?”, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lý giải, mấu chốt của bất cập nằm ở chỗ luật Quy hoạch 2017 quy định theo hướng tích hợp các loại quy hoạch, trong khi mỗi quy hoạch lại khác nhau cả về phạm vi, đối tượng, cho tới phân cấp quản lý và cả hiệu lực. “Quá trình thực hiện cho thấy thực sự là bất cập, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi”, ĐB Xuân nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đặt ra hàng loạt băn khoăn: vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh vì không phù hợp với quy hoạch cấp trên? Nếu phải thay đổi thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch ngành vừa được phê duyệt rất công phu, khi các tỉnh lập quy hoạch lại thấy không phù hợp?

Tuy nhiên, ĐB đoàn Hà Nội lại nhận định nguyên nhân không nằm ở luật Quy hoạch mà do cách hiểu chưa đúng, thậm chí sai lệch về khái niệm “tích hợp quy hoạch”. ĐB Cường cho rằng quy hoạch tích hợp không phải đơn thuần chỉ là việc ghép một cách cơ học nội dung từ nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc (cấp trên, cấp dưới) và theo chiều ngang theo không gian lãnh thổ...

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiến nghị việc lập quy hoạch áp từ trên xuống hoặc từ dưới lên đều không ổn mà nên áp dụng quy hoạch theo đường xoắn trôn ốc, tức là lấy cái này để tựa vào cái kia. Bên cạnh đó, ông Hoan nêu quan điểm không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ mà nên chia làm 2 mức độ, phần cứng là nhà nước có thể can thiệp được và phần thứ hai để một dung lượng không gian để thị trường tự điều chỉnh.

“Đã chậm thì nên có những hội thảo sâu hơn, để không đi từ thái cực này sang thái cực khác. Nhiều khi không có quy hoạch đã khó nhưng có quy hoạch rồi lại khó hơn vì chúng ta lại điều chỉnh, lại lệ thuộc vào sự thay đổi từ bên ngoài”, Bộ trưởng Hoan nêu quan điểm.

Sai mục đích, lãng phí

Về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh; việc chấp hành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa nghiêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. Các địa phương được liệt kê bao gồm: Bình Phước, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình và Quảng Nam.

Bên cạnh đó, theo đoàn giám sát, việc tổ chức kiểm tra, giám sát quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt ở các cấp chưa thường xuyên. Tình trạng sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt chưa được phát hiện, xử lý kịp thời tại các tỉnh: Đắk Nông, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Nam Định, Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, báo cáo giám sát cho rằng chất lượng các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ, dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp sự phát triển của KT-XH...

Nhiều ĐB phản ánh tình trạng thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đất đai không được công khai nghiêm túc, lấy ý kiến cộng đồng còn hình thức khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Theo ĐB Lê Thanh Hòa (Thanh Hóa), đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch. Từ đó, ĐB Hòa đề nghị cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch.

Bức xúc với quy hoạch treo

Các ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phản ánh tình trạng quy hoạch treo đang xảy ra tại nhiều nơi và kiến nghị cần có sự giải quyết dứt điểm. Theo ĐB Thông, luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy. Đây là một nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, ĐB Thông kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực; đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Giữ hay bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận?

Tại phiên thảo luận, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết việc duy trì quy hoạch suốt 14 năm qua trong khi chủ trương đầu tư điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã bị dừng từ năm 2016 đang khiến người dân không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc. Theo ĐB Hương, kiến nghị mới đây của Ủy ban Kinh tế QH về việc giữ quy hoạch này khiến người dân ở vùng dự án lo lắng, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại; gây khó khăn cho cuộc sống người dân, ảnh hưởng phát triển KT-XH của tỉnh. ĐB Hương đề nghị T.Ư cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án, giải quyết khó khăn cho người dân. Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tới hiện tại QH chỉ thông qua nghị quyết “tạm dừng” chứ không phải “hủy bỏ”, cho nên không có cơ sở để bỏ quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 tại COP26, “tất yếu phải tính đến điện hạt nhân”. Hơn nữa, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được đánh giá, tính toán kỹ lưỡng và là địa điểm phù hợp nhất. Do đó, ông Diên cho biết Bộ Công thương kiên trì kiến nghị chưa bỏ quy hoạch điện hạt nhân tại Ninh Thuận, “chờ cấp có thẩm quyền quyết định chính thức hãy tính”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.