Quy chuẩn đầu tiên về đạo đức AI toàn cầu

27/11/2021 09:36 GMT+7

Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo (AI) của UNESCO phản đối việc sử dụng công nghệ này cho các ứng dụng “xâm hại”, “vi phạm quyền con người và các quyền tự do cơ bản”.

Theo South China Morning Post, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm 25.11 đã đưa ra hướng dẫn đạo đức quốc tế đầu tiên trên thế giới về AI, cấm sử dụng công nghệ này cho “mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt”. Trong tuyên bố, UNESCO cho biết hướng dẫn này đóng vai trò như bộ “khuyến nghị” toàn cầu thay vì một thỏa thuận ràng buộc.

Mặc dù những bên ủng hộ AI, chẳng hạn như Trung Quốc, coi công nghệ này là công cụ giúp chuyển đổi một loạt các ngành công nghiệp, nhưng trên thực tế các ứng dụng khác nhau của AI, từ ứng dụng di động, phương tiện truyền thông xã hội, bán lẻ trực tuyến cho đến các nền tảng chấm điểm xã hội và hệ thống giám sát, là biểu hiện rõ ràng cho những gì UNESCO mô tả là “mối quan ngại cơ bản về đạo đức” có khả năng dẫn đến “phân biệt đối xử, bất bình đẳng và phân chia kỹ thuật số”.

UNESCO phản đối sử dụng AI cho “mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt”

chụp màn hình

Tài liệu 28 trang của UNESCO, được gọi chính thức là “Khuyến nghị về đạo đức của trí tuệ nhân tạo”, cấm sử dụng AI cho “mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt” vì “những loại công nghệ này xâm lấn và vi phạm quyền con người”, theo người phát ngôn chính của UNESCO Gabriela Ramos.

Hướng dẫn kêu gọi “minh bạch hơn trong việc kiểm soát dữ liệu cá nhân” và “giới hạn và nhận thức lớn hơn về khả năng của AI để bắt chước đặc điểm, hành vi của con người”. UNESCO muốn đảm bảo rằng “sự thống trị của ngôn ngữ tiếng Anh trong AI không gây bất lợi cho các ngôn ngữ thiểu số, sự đa dạng và quan điểm văn hóa rộng lớn hơn”. Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo “việc tương tác liên tục với công nghệ AI, bao gồm thông qua các thuật toán mạng xã hội, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của cả trẻ em và người lớn”.

Khuyến nghị của UNESCO được đưa ra hơn một tháng sau khi Trung Quốc công bố bộ hướng dẫn đạo đức quản lý AI của riêng mình, tập trung vào bảo vệ quyền của người dùng và những cách thức phù hợp với mục tiêu của nước này là trở thành nhà lãnh đạo AI toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, hướng dẫn về AI của UNESCO hoàn toàn ngược lại với những gì Trung Quốc đã và đang làm với công nghệ này. Trung Quốc hiện có hệ thống giám sát lớn nhất thế giới, với 16 trong số 20 thành phố lớn được khảo sát ở nước này trang bị hệ thống giám sát, theo báo cáo do công ty nghiên cứu công nghệ Comparitech của Vương quốc Anh công bố hồi tháng 5.2021.

Theo ông Paul Bischoff, biên tập viên trang Comparitech và là nhà bình luận thường xuyên về an ninh mạng, khuyến nghị của UNESCO sẽ không làm “chậm lại việc Trung Quốc áp dụng các công cụ giám sát hàng loạt”. “Trung Quốc luôn có thể đưa ra lý do tranh luận để cơ quan an ninh quốc gia hỗ trợ các hệ thống giám sát của họ”.

Trung Quốc trong năm nay đã ban hành luật dữ liệu mới để tăng cường bảo vệ thông tin theo cùng hướng với hướng dẫn của UNESCO. Cụ thể là luật Bảo mật dữ liệu có hiệu lực vào tháng 9.2021, và luật Bảo vệ thông tin cá nhân được triển khai vào đầu tháng này. Chính quyền các thành phố trên khắp Trung Quốc đã đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội, chống lại việc gia tăng sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt do AI hỗ trợ. Hàng Châu, trung tâm thương mại điện tử hàng đầu đại lục, là thành phố đầu tiên thông qua luật cấm các công ty quản lý buộc mọi người phải đăng ký nhận dạng sinh trắc học, chẳng hạn như dấu vân tay, để vào khu dân cư. Quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 3.2022.

Mỹ và đồng minh thân cận Israel đã rời bỏ UNESCO vì một số khác biệt chính sách nhất định, nhưng điều đó không ngăn được Washington vạch ra chương trình nghị sự với cơ quan Liên Hiệp Quốc về hợp tác AI quốc tế. Tháng 7.2021, quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã xuất hiện tại hội nghị về các công nghệ mới nổi để củng cố thông điệp rằng Washington và các đồng minh phải hỗ trợ lẫn nhau, để đảm bảo tiến bộ AI được phát triển phù hợp với “các giá trị dân chủ” và không để cho Trung Quốc chiếm quyền lãnh đạo.

“Chúng tôi không thể để Trung Quốc viết ra các quy tắc AI”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ mới nổi toàn cầu ở Washington (Mỹ).

Các tổ chức quốc tế khác cũng đang nghiên cứu về đạo đức AI. Ví dụ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019 đã xuất bản “Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo”, khuyến khích “tôn trọng quyền con người và các giá trị dân chủ” khi sử dụng công nghệ này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.