'Quỷ cẩu': Ý tưởng tốt, kỹ xảo không xứng tầm

22/12/2023 12:40 GMT+7

'Quỷ cẩu' - phim về truyền thuyết linh dị Việt 'chó đội nón mê' lên án việc săn bắt, giết mổ chó. Đề tài này khá mới với thị trường phim kinh dị trong nước, song tạo hình giả tạo của ma quỷ trong phim dễ khiến khán giả buồn cười hơn là sợ.

'Quỷ cẩu': Ý tưởng tốt, kỹ xảo không xứng tầm- Ảnh 1.

Quỷ cẩu xoay quanh lời nguyền đổ lên đầu một gia đình làm nghề mổ chó

ĐPCC

Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân, do Võ Thanh Hòa sản xuất. Phim bắt đầu bằng cái chết của Mạnh (Đào Anh Tuấn đóng), trưởng nam trong gia đình có truyền thống mổ chó. Sau đám ma của anh trai vài ngày, người em Quyết (Quốc Quân) cùng vợ - cô Liễu (Nam Thư) và em gái - cô Thúy (Vân Dung) rắp tâm chiếm lò mổ để kinh doanh.

Lúc này, con ông Mạnh là Nam (Quang Tuấn) dẫn người yêu là Xuân (DJ Mie) về quê ra mắt gia đình. Cũng từ đây, hàng loạt sự kiện rùng rợn xảy ra, đẩy gia đình ông Mạnh vào tình thế mâu thuẫn, bất hòa, các thành viên tìm cách hãm hại nhau. Nam tin rằng nhà mình phải trả nghiệp vì làm nghề mổ chó, và “quỷ cẩu” đang theo dõi họ từ trong bóng tối.

Tận dụng chất liệu kinh dị dân gian

Vốn dĩ, đang có ít phim Việt Nam tận dụng chất liệu dân gian làm nội dung. Gần nhất, series Tết ở làng Địa Ngục và phim điện ảnh Kẻ ăn hồn được đánh giá cao ở khâu hình ảnh, khi cài cắm được các chi tiết đậm tính dân tộc như áo ngũ thân, đám cưới chuột... Trong khi các nhà làm phim Việt có xu thế vay mượn kịch bản nước ngoài, hay khắc họa những câu chuyện về giới trẻ hiện đại, việc các tác phẩm khơi gợi văn hóa dân gian luôn được đại chúng mong đợi. Tiền đề của Quỷ cẩu cũng được khán giả trong nước bàn tán xôn xao từ trước khi phim ra mắt.

"Chó đội nón mê" là một trong những truyện ma truyền miệng nổi tiếng của Việt Nam; song, lần đầu tiên câu chuyện được đưa lên màn ảnh rộng. Theo đó, khi gia chủ thấy con chó trong nhà bỗng đứng được bằng hai chân, tay chống gậy, miệng cười thì đó là điềm báo tai ương sắp ập tới.

'Quỷ cẩu': Ý tưởng tốt, kỹ xảo không xứng tầm- Ảnh 2.

Khai thác hình tượng kinh dị “chó đội nón mê”, phim nhận nhiều quan tâm từ khi chưa ra mắt

ĐPCC

Để người xem dễ hình dung những gì có thể xảy ra với gia đình của Nam, phía biên kịch cài cắm tuyến truyện về nạn nhân trước đó của chó ma: người cha nổi điên sát hại cả gia đình, người chị (Hạnh Thúy) sống sót phải cưu mang cậu em trai mắc bệnh tâm thần. Khởi đầu bằng một đám tang, tiếp tối là các sự kiện tâm linh rùng rợn, phim bước đầu đã tạo ấn tượng tốt với khán giả.

Xuyên suốt mạch phim, Lưu Thành Luân nhiều lần cài cắm thông điệp “chó là bạn, không phải thức ăn”. Những nhân vật giết mổ chó sẽ gánh chịu cái chết thê thảm, mang tính nhân quả: chặt thịt thì sẽ chết vì dao, làm lông sẽ chết vì nước sôi... Tuyến chính diện của Quang Tuấn và DJ Mie là người nói không với việc ăn thịt chó nên ít gặp xui rủi.

Kỹ xảo là 'tử huyệt'

Ở khâu hù dọa (jump scare), nhà làm phim tạo được không khí hồi hộp, nghẹt thở trong các phân cảnh “quỷ cẩu” nấp trong bóng tối. Lưu Thành Luân không quá sa đà "jump scare", mà kết hợp với những chi tiết ám ảnh, khiến người xem phải tự liên tưởng.

Quỷ cẩu thuộc thể loại tâm linh, song cách nhà làm phim tiết lộ hình dạng con quỷ ngay từ đầu, kết hợp tình tiết các nhân vật phải tháo chạy để sinh tồn, khiến phim gần với chủ đề quái thú hơn. Nhằm tăng độ bí ẩn, đạo diễn nhiều lần để con quỷ ẩn nấp trong bóng tối.

Dù vậy, “quỷ cẩu” chỉ đáng sợ qua… lời thoại. Lần đầu sinh vật kỳ dị lộ diện ngoài ánh sáng, nhiều khán giả không khỏi bật cười vì… đồ họa xấu. Tạo hình 3D của chó quỷ trông như hình ảnh trong game, với những cử chỉ nhàm chán, ánh sáng đỏ phát ra từ mắt càng khiến tạo vật này trông ngớ ngẩn hơn. Ở một số phân cảnh, quái vật còn bị xử lý thiếu bóng đổ, mang đến cảm giác hoạt họa, thiếu sức nặng.

'Quỷ cẩu': Ý tưởng tốt, kỹ xảo không xứng tầm- Ảnh 3.

Kỹ xảo giả tạo khiến tác phẩm thiếu sự hồi hộp cần thiết

ĐPCC

Trong bối cảnh khán giả quen thuộc với những kỹ xảo hàng đầu từ các phim quái vật thuộc điện ảnh thế giới, Quỷ cẩu dễ dàng bị đặt lên bàn cân so sánh. Thiết nghĩ, thay vì dùng CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), nếu nhà làm phim tận dụng hóa trang và ánh sáng, kết hợp góc quay đẹp, sẽ dễ mang đến những khung hình rùng rợn hơn.

Diễn xuất không đồng đều

Vì muốn hợp lý hóa việc mâu thuẫn trong gia đình Nam ngày càng tăng tiến, Lưu Thành Luân lựa chọn cách kể nặng tính sắp đặt. Nam tiết lộ Xuân có thai, xin làm đám cưới dù cha mới mất. Hai vợ chồng Quyết, em gái Thúy, ngay lập tức trở mặt, buông lời hạ nhục Nam và mẹ (Kim Xuân). Lối diễn “kịch” của Quốc Quân, Nam Thư và Vân Dung nhiều lúc bị lố khi đặt trên khung hình điện ảnh, dễ tạo cảm giác khó chịu cho khán giả.

Người diễn ổn nhất lại là nghệ sĩ Kim Xuân. Bà diễn tròn trịa hình ảnh người vợ đau đớn khi đưa tang chồng. Gương mặt vừa giận vừa thương của Kim Xuân khi biết tin mình sắp lên chức bà ngoài ý muốn giàu cảm xúc. Trong một phân cảnh, nhân vật người mẹ có chuyển biến tâm lý, từ nhẫn nhịn sang giận dữ và thể hiện uy quyền của chị cả; tất cả đều được nghệ sĩ Kim Xuân lột tả trọn vẹn.

'Quỷ cẩu': Ý tưởng tốt, kỹ xảo không xứng tầm- Ảnh 4.

Dàn diễn viên có cách diễn tản mát, thiếu nhất quán

ĐPCC

Ngược lại, biểu cảm của Quang Tuấn và DJ Mie thiếu thuyết phục. Công bằng mà nói, Quang Tuấn có khoảnh khắc tỏa sáng ở cảnh cao trào của phim, song hầu hết thời lượng, nét mặt của anh không có sự khác biệt dù nhân vật đang đối diện nhiều nỗi đau.

DJ Mie không có nhiều đất diễn bởi chính tuyến vai của cô cũng không có nhiệm vụ, số phận rõ ràng. Về cơ bản, đây là vấn đề chung khi các vai diễn rập khuôn, mang những cá tính rất sáo mòn; khó trách nếu dàn cast chỉ có thể dừng ở mức tròn vai.

Có thể xem Quỷ cẩu là màn “chơi ngông” của đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, khi chọn đề tài kinh dị cần dùng nhiều CGI. Tác phẩm dự kiến sẽ gặp thách thức từ doanh thu phòng vé, khi phim kinh dị Việt khác là Kẻ ăn hồn đang có độ phủ sóng cao ngoài rạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.