'Quốc triều Chánh biên toát yếu', sử 'bình dân' thời vua Gia Long đến vua Đồng Khánh

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
15/05/2022 10:37 GMT+7

Đại Nam thực lục không được phổ biến rộng rãi trong dân gian mà lưu giữ trong sử cục nên không phải ai cũng dễ tiếp cận. Đầu thế kỷ 20, Quốc triều Chánh biên toát yếu được biên soạn dành cho giới bình dân đương thời đọc.

Nghiền ngẫm Đại Nam thực lục và một số bộ quốc sử khác chưa bao giờ là công việc dễ dàng với mọi đối tượng độc giả, bởi nội dung khô khan, dung lượng quá dài, sự kiện biên niên rườm rà…

Bộ quốc sử Đại Nam thực lục (Hán tự: 大南寔錄) được chia thành hai phần Tiền biên và Chánh (hoặc Chính) biên, Quốc triều sử toát yếu (國朝史撮要, soạn năm 1908 dưới triều Duy Tân) là bản lược biên, rút gọn từ Đại Nam thực lục nên cũng chia thành hai phần tương ứng: Quốc triều Tiền biên toát yếu (國朝前編撮要, 1 quyển) chép các sự việc chính từ thời Triệu tổ Nguyễn Kim, Thái tổ Nguyễn Hoàng đến thời Định vương Nguyễn Phúc Thuần, tức giai đoạn 1558-1777; Quốc triều Chánh biên toát yếu (國朝正編撮要, 6 quyển) chép các sự việc chính của vương triều Nguyễn trở về sau, từ thời vua Gia Long đến thời vua Đồng Khánh, tức giai đoạn 1778-1888.

Nguyên bản Hán tự Quốc triều Chánh biên toát yếu

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Đại Nam thực lục không được phổ biến rộng rãi trong dân gian, được lưu giữ trong sử cục nên không phải ai cũng có thể tiếp cận. Đầu thế kỷ 20, Quốc triều Chánh biên toát yếu được chỉ đạo biên soạn cho giới bình dân đương thời đọc, được dịch ra quốc ngữ và ban cấp cho các trường học năm 1923, nhằm phổ biến trong dân chúng những thông tin cơ bản về các vấn đề văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, quân sự… ngắn gọn là lược thuật đoạn sử thăng trầm của các đời vua triều Nguyễn.

Khi tổ chức biên soạn, các sử quan ít bình luận và không kê cứu gì thêm, để mặc cho sử liệu kể chuyện. Cũng cần lưu ý rằng, các thông tin truyền tải trong sách chỉ dừng ở mức khách quan tương đối, bởi chọn gì bỏ gì trong rừng thông tin đã là việc nâng lên đặt xuống theo quan điểm chủ quan của một nhóm người chép sử.

Vua Đồng Khánh

Sự bác lãm và chính trực của sử quan

Đại Nam thực lục vốn được xem là sách dành cho giới hàn lâm, giới nghiên cứu sử coi đây là bộ sách công cụ, là nguồn tài liệu khả tín dùng để tham khảo, trích dẫn. Tùy theo nhu cầu sử dụng, mỗi người tiếp cận Đại Nam thực lục theo các cách khác nhau, vì quá đồ sộ và không ít thông tin tiểu tiết, rườm rà nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn đọc hết bộ sách này.

Chẳng hạn, để biết đoạn sử vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế) cầm quyền trong 20 năm, độc giả phải đọc 220 quyển Đại Nam thực lục (đệ nhị kỷ), tương đương gần 4.000 trang sách (tập 2 đến hết tập 5, khổ 16 x 24cm) trong bản dịch Việt ngữ của Viện sử học in giai đoạn 2002-2007.

Trong Quốc triều Chánh biên toát yếu, phần nội dung này được các sử quan rút lấy những điều cốt yếu và chép lại chỉ trong 1 quyển, tương đương 150 trang bản dịch Việt ngữ, một công việc không dễ dàng đối với các sử quan.

Bìa sách Quốc triều Chánh biên toát yếu, Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành

nxb

Không nên vì từ “toát yếu” (tóm tắt, gom nhặt phần quan trọng) mà độc giả ngày nay xem nhẹ công trình Quốc triều Chánh biên toát yếu, dù chỉ là sự tóm lược vắn tắt các sự kiện chính trong Thực lục nhưng những người phụ trách biên soạn của Quốc sử quán triều Duy Tân đã chắt lọc khá đầy đủ những thông tin cơ bản liên quan.

Các sự kiện biên niên và những nhân vật lịch sử quan trọng của triều Nguyễn kéo dài 111 năm, kể từ khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định, ngài cho dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” (大越國阮主永鎮之寶) về sau trở thành bảo ấn truyền quốc đều được phản ánh đầy đủ.

Vì là phiên bản rút gọn, súc tích nên độc giả phổ thông có thể xem Quốc triều Chánh biên toát yếu như một cuốn sử bình dân, còn giới nghiên cứu vẫn có thể sử dụng cuốn sách song song với bộ Đại Nam thực lục trong những trường hợp cần thiết. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.