Quốc hội yêu cầu trong năm 2023 trình phương án cải cách tiền lương

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/11/2022 16:10 GMT+7

Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.

Khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc

Với 486/488 ý kiến tán thành, chiều nay 15.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn lĩnh vực nội vụ tại kỳ họp 4 Quốc hội XV

gia hân

Liên quan nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14 ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Quốc hội cũng yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Quốc hội yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu của Bộ Chính trị, song khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Cạnh đó, có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc.

Hoàn thiện chính sách về tự chủ đơn vị sự nghiệp công

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện.

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Quốc hội cũng yêu cầu năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Với vấn đề biên chế giáo viên, Quốc hội yêu cầu trong giai đoạn 2022 - 2026, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học.

Nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Quốc hội cũng yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hợp lý và hiệu quả.

Trong đó, nghiên cứu cơ chế khoán biên chế để bảo đảm linh hoạt, nhất là các địa phương có đông dân cư.

Thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức tại từng đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm không vượt quá số lượng tổng biên chế được giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.