Quốc hội yêu cầu tăng cường chống tội phạm

28/11/2013 03:00 GMT+7

* Làm rõ trách nhiệm cá nhân gây thất thoát, lãng phí

Chiều 27.11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó tập trung chống tội phạm tham nhũng

 Quốc hội yêu cầu tăng cường chống tội phạm
Lực lượng cảnh sát Hà Nội bắt giữ một đối tượng không đội mũ bảo hiểm và sử dụng ma túy - Ảnh: Ngọc Thắng

>> Xử lý trách nhiệm thanh tra, kiểm toán nếu ‘ngó lơ’ tham nhũng

Nghị quyết đánh giá, năm 2013 dù Chính phủ, Viện KSND và TAND có nhiều nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tội phạm tham nhũng còn nghiêm trọng. Để tạo ra sự chuyển biến trong năm 2014 và những năm tiếp theo, QH yêu cầu Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp mạnh bên cạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 về phòng chống tội phạm năm 2013.

Không được để tội phạm lộng hành

Theo đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng… tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Người đứng đầu chính quyền và cơ quan công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, không được để xảy ra tội phạm lộng hành, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận.

QH cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan điều tra, điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, nâng cao chất lượng điều tra, tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Khoanh vùng các “địa chỉ” dễ phát sinh tham nhũng

Về tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm tham nhũng, QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình quốc gia về phòng chống tham nhũng trung và dài hạn. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phải tập trung thanh tra, kiểm toán các “địa chỉ” dễ phát sinh tham nhũng như các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, theo dõi chặt chẽ việc xử lý sau thanh tra, kiểm toán. Các cơ quan này phải chủ động chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố hình sự và phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện hoặc có dấu hiệu nhưng chỉ xử lý hành chính.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các chương trình về phòng chống tội phạm, nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt. Viện KSND tối cao chỉ đạo Viện KSND các cấp kiên quyết kháng nghị yêu cầu tòa án xét xử nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. TAND tối cao báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình quyết định hình phạt, áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng ở tòa án các cấp. Các cơ quan tố tụng phải đảm bảo thời hạn điều tra theo luật định, xử lý dứt điểm các vụ án kinh tế lớn, tăng cường biện pháp truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Nghị quyết giao trách nhiệm cho Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp các cơ quan QH tăng cường giám sát việc phát hiện và xử lý tội phạm, tham nhũng; kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân gây thất thoát, lãng phí

Thảo luận chiều 27.11 về dự thảo luật Đầu tư công, các đại biểu (ĐB) QH mong muốn dự luật phải là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, từ chủ trương, thẩm định đến phê duyệt các dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc theo dõi đánh giá, kiểm tra thanh tra thời gian qua vẫn còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương vẫn quyết định đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng gây lãng phí lớn. Có nơi còn tiền thanh toán nhưng cứ để đó, tranh thủ xin thêm Chính phủ gây nợ đọng lớn, nhưng đáng nói là người quyết định đầu tư lại không phải chịu trách nhiệm gì. “Cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong tất cả các khâu. Trong đó đặc biệt quyền và trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đảm bảo tính công khai và minh bạch trong sử dụng vốn. Người đứng đầu phê duyệt chủ trương sai, kém hiệu quả gây thất thoát và lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật phải bị xử lý kỷ luật về hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý hình sự”, ĐB Tiếp đề nghị.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) muốn luật phải làm rõ vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý đầu tư công vì các công trình, dự án này đều sử dụng vốn của dân, từ tiền đóng thuế để làm cho đến khi trả nợ. Các chương trình, dự án phải xác định rõ mục tiêu làm là để phục vụ cho dân chứ không phải cho bất cứ nhóm lợi ích nào đó.

Theo ĐB Đỉnh, ở một số nước cơ quan dân cử quản lý đầu tư công được thuê giám sát, tư vấn rất chặt chẽ, nhưng trong dự thảo không ít nội dung mang tính đá bóng thổi còi, mọi quyền giao hết cho cơ quan quản lý nhà nước, vai trò giám sát của người dân rất mờ nhạt. “Cần bổ sung làm rõ vai trò, vị trí chức năng của cơ quan dân cử trong chủ trương, phê duyệt, thẩm định, giám sát đầu tư công. Các chương trình quan trọng quốc gia để QH quyết định thông qua thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Nếu hội đồng này do Chính phủ lập thì phải đảm bảo tối thiểu 50% thành viên có sự tham gia của QH”, ông đề nghị.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, quan trọng nhất là thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, tạo bước đột phá thể chế, tác động mạnh đến quá trình tái cơ cấu, khắc phục yếu kém đầu tư công từ chủ trương, phân bổ nguồn lực, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Ông nói: “Về thẩm quyền phê duyệt nên quy định rõ một đầu mối để làm rõ trách nhiệm.  Quyền và trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan cũng cần thiết kế rõ thêm về trách nhiệm cá nhân”.

Anh Vũ

Thái Sơn

 >> Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng 
>> Án nặng cho các quan tham nhũng ở Công ty Vifon
>> Hai án tử hình trong 'đại án' tham nhũng ALCII
>> Nguyên Chủ tịch Vinalines nhận cả vali tiền tham ô
>> Vinashin là điển hình thua lỗ, lãng phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.