Quốc hội yêu cầu rút kinh nghiệm trong chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua sắm...

Anh Vũ
Anh Vũ
28/07/2021 10:07 GMT+7

Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần phải rút kinh nghiệm, siết lại kỷ cương tài chính , đặc biệt phải xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.

Sáng 28.7, Quốc hội (QH) đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Uỷ ban Thường vụ QH có giải trình làm rõ hơn một số vấn đề để đưa vào nghị quyết. Trong đó, nổi bật là kỷ cương, kỷ luật tài chính đã được quan tâm nhưng vẫn chưa nghiêm.
“Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với các định mức chi thường xuyên như hội nghị, tiếp khách, công tác phí, mua sắm tài sản công; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm”, nghị quyết nêu rõ.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, vẫn xảy ra tình trạng lập dự toán chưa sát thực tế; có địa phương giao dự toán cao hơn sau khi QH quyết định dự toán…, tiếp thu ý kiến, nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các cấp chỉnh đốn công tác phân bổ và giao dự toán; nghiêm túc rút kinh nghiệm, đổi mới trong công tác giao kế hoạch đầu tư hàng năm, không lặp lại tình trạng này trong các năm tiếp theo để bảo đảm tính chủ động và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn.
Đối với tình trạng trốn thuế, kê khai thuế không đúng vẫn diễn ra, thất thu thuế còn lớn; nợ đọng thuế có xu hướng tăng, Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành thuế chú trọng kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu kê khai thuế, tăng cường kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan pháp luật để ban hành giải pháp ngăn chặn các phương thức, thủ đoạn trốn thuế; nghiên cứu, bổ sung quy định về hậu kiểm, tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý thu thuế.
Về nợ đọng thuế, nghị quyết giao Chính phủ chấn chỉnh tình trạng, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ đọng thuế; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.