Quốc hội yêu cầu rà soát quy định thuế chuyển nhượng bất động sản

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/06/2022 16:40 GMT+7

Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh , chuyển nhượng bất động sản , tăng cường quản lý, chống thất thu thuế.

Chiều 16.6, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3 Quốc hội XV trước khi Quốc hội thông qua

gia hân

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Xử lý nghiêm thao túng thị trường chứng khoán

Đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo; xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung - cầu, bình ổn giá.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Quốc hội cũng yêu cầu tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhất là các văn bản dưới luật.

Cùng với đó, tổ chức cơ cấu lại toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững, thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Quốc hội yêu cầu khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

“Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường...”, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản.

Xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

“Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”, nghị quyết nêu rõ.

Đăc biệt, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu ứng dụng tiền kỹ thuật số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả...

Hoàn thiện pháp luật thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai các dự án giao thông theo đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối vùng, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng công trình...

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nội dung, thời gian, phương thức áp dụng các cơ chế đặc biệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện dự án.

“Kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn những Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án”, nghị quyết yêu cầu.

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

“Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước”- Nghị quyết của Quốc hội nêu.

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.