Quốc hội quyết nghị lùi chương trình, sách giáo khoa mới không phát sinh kinh phí

21/11/2017 17:24 GMT+7

Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu, áp dụng với từng cấp học và bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021.

Với hơn 89% đại biểu có mặt tán thành, chiều 21.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; đồng thời, bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết qua lấy phiếu xin ý kiến cho thấy, cả 2 phương án (lùi 1 năm hoặc 2 năm) chưa có phương án nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến.
‘‘Điều này thể hiện sự cân nhắc thận trọng của các đại biểu đối với thời gian cần thiết để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, cũng mong muốn với sự quyết tâm cao hơn nữa của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, hạn chế kéo giãn thời gian cũng như yêu cầu sử dụng kinh phí khi thực hiện chương trình phải hiệu quả, thiết thực’’, ông Bình cho biết
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong điều hành của Chính phủ, đồng thời, không gây áp lực về thời gian, cân đối điều hành kinh phí hợp lý, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho quy định về lộ trình áp dụng theo hướng đã nêu trong Nghị quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.