Quốc gia NATO duy nhất không có quân đội

21/05/2022 16:00 GMT+7

Là quốc gia duy nhất trong NATO không có quân đội, song Iceland lại có vị trí địa chiến lược quan trọng mà liên minh quân sự này không bao giờ muốn mất đi.

Việc Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giữa lúc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, đã tái soi rọi nhiều vấn đề liên quan đến liên minh 30 quốc gia ra đời sau Thế chiến 2.

Là một liên minh quân sự, NATO trước hết được nhìn dưới lăng kính sức mạnh quân đội tập thể, với mức độ đóng góp và ảnh hưởng rất khác nhau của lực lượng vũ trang các nước thành viên. Trong khi được dẫn dắt bởi Mỹ - cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, thì NATO vẫn có những thành viên như Iceland - nước duy nhất trong liên minh không có quân đội thường trực.

Căn cứ Keflavík của Iceland vào năm 1982, khi quân đội Mỹ vẫn đồn trú

không quân Mỹ

Quân đội Mỹ đến và đi

Bắt đầu từ 1869, vùng đất Iceland đã không còn sự hiện diện của quân đội sau những cuộc chiến tranh. Năm 1918, Iceland trở thành một đất nước có chủ quyền theo chế độ quân chủ lập hiến, dù vẫn xem nhà vua Đan Mạch là nguyên thủ quốc gia. Ngay sau đó, Vương quốc Iceland đã thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển, nhưng không thể thành lập quân đội thường trực vì vấn đề tài chính.

Chính quyền hy vọng rằng một nền trung lập vĩnh viễn sẽ giúp đất nước tránh được các cuộc chiến tranh. Song khi Thế chiến 2 nổ ra, họ lo ngại về nguy cơ bị xâm lược và quyết định biến Cảnh sát Quốc gia Iceland (INP) và lực lượng dự bị thành một đơn vị quân đội.

Lãnh đạo INP Agnar Kofoed Hansen từng được huấn luyện trong quân đội Đan Mạch và khi đó ông bắt đầu huấn luyện cho các sĩ quan của mình. Song việc này kéo dài chưa được bao lâu thì Anh chiếm đóng Iceland vào ngày 10.5.1940. Ông Hansen muốn mở rộng lực lượng, nhưng bộ trưởng tư pháp Iceland bác bỏ yêu cầu này.

Từ giữa năm 1941, Mỹ đã thay Anh kiểm soát quân sự toàn bộ đảo quốc cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc. Trong thời gian này, vào ngày 17.6.1944, Iceland tuyên bố trở thành một nước cộng hòa, và dù tiếp tục hợp tác với quân đội Anh, Canada và Mỹ, họ vẫn duy trì vị thế trung lập trong suốt cuộc chiến. Sau chiến tranh, chính phủ Iceland từ chối yêu cầu của quân đội Mỹ về việc thuê 3 căn cứ trong 99 năm, và toàn bộ quân đội nước ngoài rời khỏi Iceland.

Hải lộ GIUK (Greenland-Iceland-Anh).

website nato

Năm 1949, dù vấp phải sự phản đối gay gắt trong nước, Iceland trở thành một trong 12 thành viên sáng lập của NATO với điều kiện họ không cần phải thành lập quân đội. Tuy nhiên, vị trí địa lý chiến lược của đảo quốc ở Đại Tây Dương đã khiến Iceland trở thành một thành viên vô giá của liên minh. Nằm giữa đảo Greenland và quần đảo Anh, Iceland án ngữ hải lộ GIUK - con đường duy nhất đi vào Đại Tây Dương của các tàu ngầm xuất phát từ miền bắc nước Nga trong Chiến tranh Lạnh, theo bài viết trên website của NATO.

"Người dân của tôi giờ không có vũ khí và đã không có vũ khí từ thời tổ tiên Viking. Chúng tôi không có, cũng không thể có quân đội... Nhưng đất nước của chúng tôi, trong những hoàn cảnh nhất định, có tầm quan trọng mang tính sống còn đối với sự an toàn của khu vực Bắc Đại Tây Dương", ông Bjarni Benediktsson, ngoại trưởng Iceland, phát biểu tại lễ ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (nền tảng cho sự ra đời của NATO) ở Washington DC vào ngày 4.4.1949.

Vào năm 1951, giữa những biến động vì cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, Iceland đã ký một thỏa thuận quốc phòng song phương với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ thành lập Lực lượng Phòng vệ Iceland (IDF) đóng tại căn cứ Keflavík gần thủ đô Reykjavík. IDF là cơ quan chỉ huy quân sự của quân đội Mỹ tại Iceland từ năm 1951 - 2006. Ngoài binh sĩ Mỹ, IDF cũng bao gồm thường dân người Iceland và quân nhân của các quốc gia NATO khác.

Máy bay do thám của Mỹ tại căn cứ Keflavík

website nato

Đất nước "hòa bình nhất thế giới"

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, IDF đã được cắt giảm biên chế. Không quân Mỹ duy trì từ 4 - 6 máy bay đánh chặn tại căn cứ Keflavík cho đến khi rút đi hoàn toàn vào ngày 30.9.2006. Từ đó trở đi, căn cứ này không còn sự hiện diện thường trực của quân đội nước ngoài.

Song bắt đầu từ tháng 5.2008, các quốc gia NATO đã định kỳ triển khai máy bay chiến đấu để tuần tra không phận Iceland theo đề nghị của Reykjavík. Năm 2017, Mỹ được cho là đã đầu tư khoảng 14 triệu USD cải tạo nhà chứa để có thể triển khai máy bay săn ngầm P-8 Poseidon tại Keflavík, trong nỗ lực nâng cấp các sân bay châu Âu nhằm đối phó với Nga.

Iceland cũng có các thỏa thuận khác liên quan đến các hoạt động quân sự và an ninh với Na Uy, Đan Mạch và các nước NATO khác.

Một tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Iceland

wikimedia commons

Lực lượng được xem là gần giống quân đội nhất ở Iceland là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (ICG), cũng như Các Đơn vị Đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố. ICG đã đụng độ với tàu cá và Hải quân Hoàng gia Anh trong một loạt sự kiện được gọi chung "chiến tranh cá tuyết" (cod wars), từ năm 1958 - 1976, nhằm tranh giành quyền đánh bắt ở Bắc Đại Tây Dương. Dù vậy, không một cuộc "chiến tranh cá tuyết" nào đáp ứng được các tiêu chuẩn được dùng để định nghĩa một cuộc chiến tranh thông thường.

Ngày nay, ICG đảm trách việc tuần tra vùng trời và vùng biển Iceland. Ngoài ra, nước này cũng có lực lượng gìn giữ hòa bình hoạt động ở nước ngoài, chịu sự giám sát của Bộ Ngoại giao Iceland.

Theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2021, Iceland là quốc gia hòa bình nhất trên thế giới - danh hiệu mà nước này đã giữ từ năm 2008 - do không có lực lượng vũ trang, tỷ lệ tội phạm thấp và mức độ ổn định chính trị xã hội cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.