'Quên' ăn sáng sức khỏe sẽ ra sao?

15/10/2022 11:00 GMT+7

Vì áp lực việc học, làm thêm hay thường xuyên thức khuya mà một bộ phận người trẻ thường xuyên thức dậy muộn dần dà sinh ra thói quen “quên” hay thậm chí bỏ hẳn bữa ăn sáng.

Nhiều người trẻ hiện nay có thói quen "quên" ăn sáng

Thượng Hải

Suýt cắt túi mật vì “quên” ăn sáng

Là một người từng rất chăm chỉ ăn sáng, nhưng nửa năm nay, Kiều Thị Thảo My, sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lại bắt đầu bỏ bữa ăn sáng thường xuyên.

“Mình thường thức khuya để “chạy deadline”, nếu không có tiết học, mình sẽ ngủ nướng nên thường bị lỡ mất bữa sáng. Còn nếu hôm nào có tiết học sớm ở trường thì mình thức dậy chỉ kịp thời gian vệ sinh cá nhân, sắp xếp bài vở để lên lớp nên mình cũng bỏ luôn việc ăn sáng”, Thảo My cho hay.

Việc "quên" ăn sáng thường xuyên dẫn dến những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe

Shutterstock

Cũng giống như My, Lê Trọng Ân, sinh viên của Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM, cho biết cũng thường bỏ bữa sáng vì hay đi làm thêm nên cứ tầm 11 giờ tối về đến nhà là ngủ đến gần trưa hôm sau mới thức dậy.

“Có khi ngủ tới hơn 10 giờ sáng, không thấy đói rồi bỏ qua, còn có thì ráng nhịn để qua bữa trưa luôn. Vì chuyên ngành mình học hay tập luyện thể thao vào sáng sớm nên thường bắt buộc phải ăn sáng trước khi tập tầm 1 tiếng rưỡi. Sáng nào mà không ăn gì thì có cảm giác thiếu năng lượng, không tập nổi, có những bữa tập xong đói quá nên mình ra ngoài cố ăn bù lại thì bị đau bao tử rồi bị trào ngược dạ dày và sốt nữa”, Ân kể lại.

Vì ngành học tại trường thường xuyên phải tập luyện thể thao nên Trọng Ân phải cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là bữa sáng

NVCC

Nhắc tới việc hay bỏ bữa sáng, Châu Thị Kim Thảo (23 tuổi, hiện đang làm thư ký cho một công ty luật tại Bình Dương) không khỏi “rùng mình” khi nhớ lại: “Mình thường không quan tâm đến bữa sáng từ khi còn học THPT lại hay thức khuya đến 1-2 giờ sáng mới ngủ. Nên vào năm nhất đại học, mình cảm thấy người thường xuyên mệt mỏi, dễ buồn ngủ, ăn uống gì vô là đau bụng, da và mắt cũng vàng đi. Đi khám thì mới biết mình bị sỏi túi mật do không ăn sáng thường xuyên”.

Kim Thảo phải uống thuốc và nằm viện 6 tháng trời để chữa bệnh, thời gian đó, cô bị sụt gần 8kg nhưng may mắn là không bị cắt túi mật như những người khác. “Sau lần đó, sáng nào mình cũng dậy sớm một tý để đi ăn sáng rồi mới làm gì thì làm, mình thay đổi xong thì thấy sức khỏe dần cải thiện, có nhiều thời gian để ý bản thân nhiều hơn”, Kim Thảo nói.

Tầm quan trọng của ăn sáng

Việc bỏ không ăn sáng không chỉ khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm xuống mà còn khiến cho sức khỏe dần bị sa sút và dễ mắc bệnh hơn. Sau khi điều trị bệnh đau bao tử do thường xuyên không ăn sáng, Thảo My cho biết cần quan tâm đến bản thân nhiều hơn.

“Cơn đau làm mình không thể tập trung để hoàn thành công việc, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tinh thần và thái độ của mình. Mình bị cáu gắt hơn so với bình thường, đồng thời, luôn cảm thấy uể oải, không có năng lượng để học tập và vui chơi. Mình nghĩ đau dạ dày là dấu hiệu báo động để mình quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn”, Thảo My cho hay.

Nói về lợi ích của ăn sáng, PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho hay: “Ăn sáng giúp giảm cảm giác đói trong ngày, từ đó giúp tránh ăn quá mức vào những bữa ăn khác vì khi bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ cảm thấy đói và dễ ăn vặt hơn. Bữa sáng giúp tái cung cấp năng lượng cho cơ thể sau một khoảng thời gian dài qua đêm, giúp não và cơ thể được cung cấp nguồn năng lượng cho một ngày mới. Và nhiều nghiên cứu cho thấy người có ăn sáng thường lựa chọn thức ăn lành mạnh hơn người không có thói quen ăn sáng, từ đó giúp họ có sức khoẻ tốt hơn”.

Theo bác sĩ Niên, nhiều người trẻ do việc học, việc làm quá nhiều dẫn đến việc thường hay thức khuya để giải quyết tất cả mọi việc hoặc dù đã chuẩn bị ngủ nhưng hay lướt điện thoại đến khuya. Dẫn đến việc thức dậy trễ, khi “quên” ăn sáng thì nghĩ là sẽ gộp lại ăn bù vào các bữa ăn sau và cho rằng việc này còn giúp tiết kiệm chi phí ăn uống.

"Nhưng đây là cách nghĩ không khoa học vì có thể khiến cơ thể không phục hồi dự trữ glycogen sau một đêm, dẫn đến đường huyết ở mức thấp. Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển hoá chậm lại do phải thích nghi với tình trạng không được cung cấp năng lượng từ bữa ăn và hormon stress từ vỏ thượng thận cũng tăng bài tiết tạo cảm giác lo lắng, bồn chồn. Ngoài ra, còn có nguy cơ về bệnh tim mạch cao hơn do béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và hội chứng chuyển hoá", bác sĩ Niên cảnh báo.

Bác sĩ Niên nói: “Một bữa ăn sáng lành mạnh nên lưu ý tránh các loại đường đơn giản, ít béo. Có thể lựa chọn các thực phẩm từ thịt nạc, cá, các loại đậu, hạt như bánh mì, cơm tấm… Từ đó, cung cấp các carbohydrate phức tạp, chất xơ, protein và một lượng nhỏ chất béo mang lại lợi ích sức khoẻ và giúp cơ thể no trong vài giờ tiếp theo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.