Quê mình khúc biển miền Trung

21/11/2020 10:00 GMT+7

Làng biển Quỳnh Lưu, quê nội tôi, ở đó, người dân đi biển, làm đồng muối, làm đồng màu.

Ở đó, tôi quen được thấy ông nội đi đẩy ruốc, những hôm ông từ biển trở về khom lưng vác lưới và hai cái sào dài, có hôm chỉ được một bát ruốc, có hôm là nửa rá, khi nửa thúng… ruốc hồng tươi từ biển về được xào lên, nấu canh, nhiều thì đem phơi khô, hoặc muối lên trong lon, vại sành. Những lon, vại ruốc một góc sân chuyển màu chuyển mùi tái hồng, chín xám. Một góc sân, mắm, ruốc quanh năm, nấu canh rau lang thì nêm nó, rồi làm đồ chan, nước chấm.
Những mớ ruốc tươi, nếu nhiều, bà mang ra chợ nhưng nghe nói rất rẻ, chẳng đáng công đi bán, nhất là công ông mang đồ nghề ra lặn hụp hàng giờ ngoài biển. Chủ yếu tôi thấy bà muối ruốc làm của để dành, dần ăn, thỉnh thoảng cho, và hình như thỉnh thoảng bà cũng đem bán.
Ở đó tôi được theo các o đi đến cánh đồng muối, rất xa. Làm muối như tôi thấy ngày đó rất công phu, vất vả. Rải đất thật đều ra ruộng vuông vức, xúc đất lên sộc đổ vào hào nhỏ, dậm, chắt lấy nước mặn đổ lên những ô ruộng tráng xi măng, muối trắng lấm tấm rồi kết hạt to dần dưới nắng đổ, chiều đến cào muối lại, hôm nắng to thì được nhiều, tất cả muối trong nhiều ô gom bỏ lên sộc sạch sẽ chở đổ vào nhà kho nhỏ hình tam giác làm bằng nứa lá gần đó. Gió nắng ràn rạt, mặn rát trong những ngày tôi được đi theo xuống cánh đồng muối thật nhớ và hiểu ra công việc vất vả, nặng nhọc thế mà nghe bà và o nói muối rất rẻ.
Ở đó, đất vườn, đồng, bãi từng mùa từng năm trồng rau, trồng khoai, lạc, lúa theo mùa vụ, quen thuộc. Những ngày mùa, cày bừa, gieo trồng rồi thu hoạch, tôi theo bà theo o ra đồng bãi, cũng trỉa, nhặt khoai, nhổ lạc, bao điều thấm ngấm, lấm lem lên tuổi thơ.
Mùa đông cả làng thu hoạch su hào, bắp cải. Nhà ông bà cũng có xu hào bắp cải ăn chán chê và bán rẻ như cho. Trồng tưới khó nhọc, rau bán gần thì rẻ, ế, bán xa thì vất vả, người làng thồ đi trong mùa lạnh vào Vinh, đi các huyện miền núi, nếu có xe ô tô về mua nhiều, khỏe nhưng cũng là bán rẻ. Gì cũng rẻ, cũng dễ ế, từ cá, ruốc, cho đến muối, rau nên ngày đó tôi cũng thấm thía cảnh thiếu đói, sự chắt chiu.
Ở đó, tôi được nghe mùi của biển tỏa đi, thấm vào làng vào chợ. Mùi ruốc, cá tươi, rau củ tươi, mùi ruốc muối, cá khô, mùi của nghề biển, nghề trồng trọt, mùi của rơm rạ, rau củ, của khói bếp, chuồng trại khắp ngõ ngách, lưu cửu.
Nhiều người sống trọn đời với làng, với mùa màng, với ngần đó công việc quen thuộc, những kinh nghiệm, thói quen lao động ngàn đời truyền lại, có lẽ vậy mà tôi thấy nhiều người, nhiều thứ cứ từa tựa nhau, rồi dần hiểu, đó là nếp sống, nếp làng.
Ở đó, tôi thấy những cơn bão dữ dội hơn, nắng bỏng rát hơn và nước da ai cũng rám săn. Muối, cát, gió, nắng, bão nhiều quá tạo nên sự đậm đà. Nắng biển, bão biển, lại là biển miền trung, gì cũng tận cùng, nó in dấu lên mặt người, hồn người.
Xa lâu mới về, về vẫn thấy nhiều thứ thân thuộc mà tôi từng gần gũi, thấm tháp, lấm lem.
Nhớ lần cùng bạn đi mót cánh đồng bên, nửa chừng trời trở gió mùa đông bắc mà áo thì mỏng manh, gió giữa đồng hun hút, rét run tưởng chết. Cuối ngày hôm đó mang về cho bà được một mớ rau gì không nhớ tên, chỉ nhớ bà xào lên ăn rất bùi rất ngon.
Nhớ tháng ngày đi cào củi, cào lá phi lao ngoài bờ biển, biển bên cạnh mênh mông vỗ sóng, cát mềm mát dưới chân, lá cành đan nhau trên đầu, cành khua lắc cắc, lá vi vút. Nhớ những sớm trời chuyển gió mạnh, mấy đứa í ới nhau đi cào củi, cảm giác ra gió lớn vào sáng mờ đất rất lạ.
Nhớ cả cây na bên cửa sổ nhà bếp, chỗ đặt cái phản, gió biển lồng lộng, nằm nghe rõ sóng biển dội về.
Nhớ những loài hoa ở đó, tôi yêu hoa cũng từ đó, từ những nẻo đường, nhất là đường ra biển luôn rực rỡ hoa ngũ sắc. Những vòng cườm đeo tay đeo cổ bằng hoa ngũ sắc, hoa xoan. Cuối đông có hoa cải thấp thoáng vàng ấm trong các khu vườn. Từng chút vị của đời ở đó ngấm vào máu thịt, hồn vía tuổi thơ tôi.
Sau này ít được về càng nhớ. Có rất nhiều những giấc mơ là giấc mơ về quê, về biển. Bãi phi lao, con đường ra biển, những nẻo đường, những con người hiền lành, những nếp nhà hiền hòa, ruộng nương bình yên.
Càng sau này càng hiểu, được lớn lên giữa làng quê yên lành, thuần hậu là hạnh phúc. Đi xa nhớ về, càng thấm thía sự bình yên ấy thực là quý giá. Đi, sống, càng lăn lộn với đời nhiều càng hiểu, được bình yên như thế là bởi bao đời, bao lớp người đã nối nhau vun vén, gìn giữ.
Một quãng tuổi thơ mà tôi có được biết bao điều để từ đó càng yêu nguồn cội, nhớ thương gốc gác, tự hào về quê hương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.