Quay lưng với xe buýt

05/12/2015 07:18 GMT+7

Đội ngũ lái xe buýt thiếu hụt trầm trọng do tài xế làm việc trong môi trường thường xuyên kẹt xe, tâm lý mệt mỏi, chán nản nên nhiều người đã xin nghỉ để chuyển sang đi xe đường dài, xe hợp đồng...

Đội ngũ lái xe buýt thiếu hụt trầm trọng do tài xế làm việc trong môi trường thường xuyên kẹt xe, tâm lý mệt mỏi, chán nản nên nhiều người đã xin nghỉ để chuyển sang đi xe đường dài, xe hợp đồng...

Xe buýt ở TP.HCM đang ngày càng vắng khách - Ảnh: Diệp Đức MinhXe buýt ở TP.HCM đang ngày càng vắng khách - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trước thực trạng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm, doanh nghiệp xe buýt gặp rất nhiều khó khăn, ngày 4.12, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển vận tải khách bằng xe buýt.
Khách chê
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2015, TP dự kiến có 323,89 triệu lượt người sử dụng xe buýt, chỉ đạt 87,1% kế hoạch, và giảm 11,7% so với năm 2014. Trong đó, các tuyến có trợ giá bị khách chê nhiều nhất và chỉ đạt 70% kế hoạch và giảm 14,4% so với cùng kỳ 2014.
Theo ông Minh, năm 2013 có đến 5.761 trường hợp mất chuyến, năm 2014 xảy ra 5.724 trường hợp. Đáng báo động, 11 tháng năm 2015 có đến 7.925 trường hợp mất chuyến, nguyên nhân chủ yếu do ùn tắc giao thông, xe buýt về bến trễ hơn so với dự kiến. Điều này cho thấy xe buýt hiện nay luôn luôn không đúng giờ khiến chất lượng phục vụ kém. Đây chính là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng hành khách quay lưng với xe buýt. Một bất cập rất lớn khác là xe buýt đang lưu thông chung với các phương tiện khác và chưa có làn dành riêng hoặc làn ưu tiên. Vừa qua, Sở GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, tuy nhiên kết quả không cao.
Theo Công ty xe khách Sài Gòn, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người dân ngại đi xe buýt là thời gian ngồi trên xe buýt ngày càng kéo dài. Theo thống kê, năm 2015, thời gian di chuyển của xe buýt tuyến Bến xe (BX) Miền Đông - BX Q.8 lên đến 70 phút, năm 2014 là 60 phút, trong khi thời gian đi xe gắn máy khoảng 45 phút. Đó là chưa tính, đối với hành khách chuyển tuyến, thời gian chuyến đi càng bị kéo dài so với xe gắn máy do mạng lưới xe buýt chưa phủ khắp và trạm dừng, nhà chờ không phù hợp. Xe buýt (thuộc dự án 1.318 xe buýt) đa số sử dụng hơn 10 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị “đứng bánh” do hư cầu chì, chết máy khi đang chạy khiến khách chỉ biết kêu trời.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Việt, Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, đội ngũ lái xe buýt thiếu hụt trầm trọng do tài xế làm việc trong môi trường thường xuyên kẹt xe, tâm lý mệt mỏi, chán nản nên nhiều người đã xin nghỉ để chuyển sang đi xe đường dài, xe hợp đồng... Liên hiệp có hơn 100 lái xe đã xin nghỉ việc.
Cần nhiều giải pháp
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP.HCM, đánh giá hệ thống xe buýt đến nay chỉ đáp ứng 6,5% nhu cầu đi lại. Từ nay đến năm 2020 mới chỉ có 1 tuyến metro hoạt động, năng lực vận chuyển của giao thông công cộng chỉ tăng thêm nhiều nhất 1,5%. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) là giải pháp linh hoạt, tạo hình ảnh mới về xe buýt, hỗ trợ xe buýt thường phát triển và góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân hiệu quả nhất. Đây chính là giải pháp mềm trong khi hệ thống tàu điện ngầm triển khai quá chậm.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng nên thay đổi chính sách trợ giá bằng cách trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không trợ giá theo chuyến như hiện nay. Khi đó, doanh nghiệp, tài xế, tiếp viên sẽ thay đổi thái độ phục vụ, mong muốn hành khách lên xe. Còn TS Phạm Sanh đề nghị cần ban hành quy chuẩn đường dành riêng cho xe buýt vì hiện nay bộ quy chuẩn đường đô thị ở nước ta không có quy định đường dành riêng cho xe buýt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.