Quang Trung Đường – nơi thời gian dừng lại

29/09/2022 13:34 GMT+7

Trên con đường sầm uất với nhịp sống đô thị vội vã, ít ai ngờ lại tồn tại một địa điểm có tuổi đời đã ngót trăm năm - Quang Trung Đường - nơi mà thời gian dường như dừng lại…

Đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của người Hoa vô cùng phong phú và đa dạng, đa phần khi nhắc đến niềm tin của người Hoa mọi người thường nghĩ đến các loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống hoặc Phật giáo, thế nhưng nằm nép bên con đường Nguyễn Trãi sầm uất lại tồn tại một cơ sở tôn giáo vốn tưởng chừng sẽ không hiện hữu trong cộng đồng người Việt gốc Hoa, đến nay Quang Trung Đường hơn 100 tuổi nhưng lại ít được biết đến. Đó là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi hội Nguyễn Trãi, một địa điểm sinh hoạt của tín đồ người Hoa theo đạo Tin Lành.

Bên ngoài Hội Thánh Tin Lành Nguyễn Trãi về đêm

t.l

Hội Thánh Nguyễn Trãi hay còn có tên tiếng Hoa là Việt Nam Hoa Nhân Cơ Đốc Giáo Hội Quang Trung Đường, đây là cơ sở sinh hoạt tôn giáo rất đặc trưng của bà con người Hoa theo đạo Tin Lành, tọa lạc tại số 462-464 trên đường Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP.HCM. Hội Thánh Nguyễn Trãi lặng lẽ nép mình bên khu đô thị huyên náo ngày càng phát triển, nhưng nét cổ kính của ngôi thánh đường vẫn được giữ vẹn nguyên sau bao thăng trầm của thời đại.

100 năm lịch sử của ngôi thánh đường

Chợ Lớn là khu vực phát triển đạo Tin Lành đầu tiên của Sài Gòn kể từ năm 1911, trong dòng lịch sử ấy người Hoa là một trong những cộng đồng đầu tiên chấp nhận tin đạo. Mục sư Chu Tỉnh Hồn là vị mục sư người Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam để truyền đạo cho người Hoa khu vực Chợ Lớn, trước tiên ông thành lập một nhà thờ Tin Lành trên đường Tản Đà. Ông cùng với mục sư John Drange Olsen và hơn 40 tín đồ gốc Hoa đã tập hợp lại, tuyên bố thành lập nhà thờ Tin Lành đầu tiên của người Hoa tại vùng đất Chợ Lớn.

Giảng đường chính của nhà thờ

t.l

Nhà thờ này trải qua 4 lần thay đổi địa điểm, năm 1923 nhà thờ chuyển về đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), sau đó năm 1924 tiếp tục dời về đường Thuận Kiều và vào năm 1925 lại chuyển về đường Rue des Marins (nay là đường Trần Hưng Đạo). Các địa điểm trên cũng chỉ là đất được cho thuê, mãi sau đó nhà thờ mới mua lại mảnh đất cạnh Bệnh viện Quảng Triệu trên đại lộ Maréchal Joffre (nay là đường Nguyễn Trãi) vào năm 1929. Nhà thờ mới được xây dựng vào năm 1932 và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1933. Đấy chính là nhà thờ Tin Lành Nguyễn Trãi mà chúng ta thấy ngày nay.

Cũng giống như nhiều nhà thờ Tin Lành khác của người Việt, ngôi thánh đường này của người Hoa được xây dựng theo lối kiến trúc xưa của các nhà thờ Tin Lành theo phái Phúc Âm Hóa (Evangelism), với phần giữa là phòng lễ chính với dòng chữ Hán cách điệu được đọc từ phải sang: Hoa Kiều Cơ Đốc Giáo Hội Lễ Bái Đường, hai bên là hai tháp chuông hình hộp chữ nhật đối xứng với lễ đường, nhìn từ bên ngoài vào nhà thờ có hình dạng một chữ “A” lớn biểu trưng cho ký tự “Alpha” - ký tự đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp mang ý nghĩa là “sự trước tiên” hay “Thượng Đế là Đấng khởi đầu”. Trên đỉnh nhà thờ là hình ảnh cây thập giá trơn được xem là biểu tượng đặc trưng của Ki-tô giáo.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Thánh được chụp vào năm 1960

t.l

Bên trong lễ đường chính được bài trí khá đơn giản, gồm các băng ghế dài được chia thành 3 dãy để tín đồ ngồi và tòa giảng chính phía trên với một cây thập tự giá lớn, tòa giảng có một bục giảng dành cho Mục sư đứng giảng thuyết và 6 chiếc ghế gỗ khi xưa dùng để các Mục sư ngồi. Vì niềm tin của đạo Tin Lành nên bên trong nhà thờ thường chỉ bố trí bàn ghế và hệ thống nhạc cụ như một không gian sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng chứ không có tranh ảnh hay tượng chạm như kiến trúc nhà thờ của đạo Công giáo.

Phía sau lễ đường chính là khu vực lễ đường phụ rất rộng rãi thường được dùng làm nơi sinh hoạt cho các ban ngành được phân chia theo độ tuổi, đặc biệt là nơi tập luyện của các ca đoàn cho mỗi buổi nhóm họp chung vào sáng chủ nhật. Phía sau nhà thờ là một khu nhà với kết cấu hình chữ “L” 4 tầng được xây dựng theo lối những tòa chung cư cũ của Hồng Kông, khu nhà này là nơi diễn ra các hoạt động của cộng đồng người Hoa theo đạo như các lớp học giáo lý, văn phòng ban đại diện, phòng họp…

Một buổi sinh hoạt của Hội thánh tại khu vực lễ đường phụ

t.l

Điều đặc biệt thu hút người đến tham quan địa điểm này có lẽ là một căn phòng nhỏ nằm tầng 3 của dãy nhà, với các tủ kính để sách được xếp đầy ắp tương tự như một thư viện cùng những bộ bàn ghế cổ khiến ta như quay trở lại những lớp học tiểu học thời xưa, cái cảm giác hoài niệm đó bao trùm lấy xúc cảm của những ai đến thăm thú góc nhỏ này. Bên cạnh những quyển sách mang đầy dấu ấn của thời đại đã qua được mang từ Hồng Kông hay Trung Quốc sang, còn có những bức thư pháp bằng chữ Hán đã ngả màu thời gian tạo cho khách tham quan cảm giác như đang thật sự quay về những ngôi trường học xưa ở Hồng Kông thập niên 1970.

Bên cạnh đó, Hội thánh Nguyễn Trãi còn là điểm đến lý tưởng cho những ai có niềm đam mê với tiếng Hoa, nhà thờ sẽ tổ chức các lớp học chữ Hán, luyện thi chứng chỉ HSK dành cho tất cả mọi người bên trong và bên ngoài Hội thánh, các lớp học này được mở vào thứ hai – tư – sáu các ngày trong tuần từ 19 giờ 15 đến 20 giờ 45 với mức học phí vô cùng "hạt dẻ".

Kỳ thực Hội thánh Nguyễn Trãi không quá độc đáo, vì tính giản đơn và vắng bóng những kiểu kiến trúc đồ sộ, cầu kỳ như các nhà thờ khác trong thành phố. Tuy nhiên, điều đặc biệt tại đây là ta có thể nhận thấy thời gian bên trong khuôn viên nhà thờ dường như đã dừng lại dẫu không gian bên ngoài từng khoảnh khắc luôn trôi đi rất nhanh. Cảm giác hoài cổ với lớp bụi thời gian phủ bao lên mọi thứ dù là nhỏ nhất chính là điểm thu hút đặc trưng của địa điểm này, để rồi nếu một sớm mai ta chẳng may thiếu đi sự bình yên vốn có giữa cuộc sống bộn bề tất bật, thì ngồi ở đây - Quang Trung Đường ngắm xem dòng thời gian dừng lại ấy cũng là một gợi ý hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.