Quảng Trị: TP.Đông Hà giãn cách theo Chỉ thị 16, 'nóng' với giấy đi đường

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
17/09/2021 11:35 GMT+7

Chưa đầy 24 giờ TP.Đông Hà (Quảng Trị) giãn cách theo Chỉ thị 16, các huyện giáp ranh đã lập hàng chục chốt kiểm soát Covid-19 nhằm hạn chế việc đi lại của người dân. Câu chuyện giấy đi đường trở nên rất 'nóng'.

Như Thanh Niên đã thông tin, từ 12 giờ ngày 16.9, toàn bộ TP.Đông Hà thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 3 huyện giáp ranh là Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh đã lập hàng chục chốt kiểm soát Covid-19 trên các tuyến đường bộ. Muốn qua được các chốt này cần có giấy đi đường.

Chốt kiểm soát trên Quốc lộ 9 do UBND H.Cam Lộ lập, sau khi TP.Đông Hà bị phong tỏa

NGUYỄN PHÚC

3 huyện giáp ranh lập chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ thành phố Đông Hà

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại chốt kiểm soát do UBND H.Cam Lộ lập trên Quốc lộ 9 vào chiều 16.9, lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ là công an, ngoài ra có 2 nhân viên y tế thực hiện việc khai báo. Trong buổi đầu tiên thực hiện kiểm soát, lực lượng kiểm soát chỉ giải quyết cho người đi từ hướng TP.Đông Hà lên Cam Lộ nếu người này xuất trình được giấy tờ chứng minh thường trú tại H.Cam Lộ. “Tuy nhiên những người này ngoài khai báo y tế tại chốt, khi về địa phương của mình phải tiếp tục đến các trạm y tế để khai báo y tế một lần nữa, để hướng dẫn cách ly đúng quy định”, một cán bộ chốt kiểm soát cho biết.
Riêng với người không có hộ khẩu ở H.Cam Lộ, tất cả buộc phải quay đầu nếu không có trong tay 2 điều kiện: giấy đi đường và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ. Thực tế, hầu hết người dân được giải thích đều chấp hành, tuy nhiên vẫn có nhiều người thắc mắc.

Nhiều người dân chưa hiểu đầy đủ về quy định, cần phải giải thích

NGUYỄN PHÚC

Liên quan đến vấn đề giấy đi đường, Sở Y tế Quảng Trị ngày 16.9 đã có văn bản hướng dẫn. Trong đó thẩm quyền xác nhận việc thi hành nhiệm vụ trong thời gian có dịch để lưu thông giao thông.
Đối với cán bộ, viên chức, công chức… làm việc tại các đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị, đơn vị vũ trang: Do thủ trưởng cơ quan đơn vị cấp.
Đối với người lao động làm việc tại nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: Thực hiện mô hình “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa không bị đứt gãy sản xuất.
Đối với cán bộ phóng viên, người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông: Do Sở TT-TT cấp.
Đối với người lao động không có đơn vị sử dụng lao động quản lý: Do UBND xã phường, thị trấn cấp.

Với những lao động tự do như người phụ nữ này, để có giấy đi đường là điều không đơn giản

NGUYỄN PHÚC

Dù thế, nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn một số điểm trong văn bản hướng dẫn nêu trên cần được điều chỉnh thấu đáo hơn, để không làm ảnh hưởng đứt gãy quá trình làm việc, sản xuất và an toàn phòng dịch.

Chính quyền H.Cam Lộ lo ngại việc chưa quy định những ai được cấp giấy sẽ dẫn đến việc các cơ quan đơn vị cấp giấy đi đường tràn lan

NGUYỄN PHÚC

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 17.9, ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ cho biết sau khi nghiên cứu hướng dẫn của Sở Y tế Quảng Trị về giấy đi đường, huyện đã có một số đề xuất trở lại để phù hợp với thực tế hơn.
“Hướng dẫn chưa quy định những đối tượng nào mới được cấp giấy đi đường. Vì nếu giao cho thủ trưởng các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chủ động cấp giấy mà không quy định rõ ai mới được cấp giấy thì rất dễ xảy ra tình trạng cấp giấy tràn lan, làm mất ý nghĩa của Chỉ thị 16, ai ở đâu ở yên đó. Ví dụ cơ quan 200 người cấp luôn 200 cái giấy đi đường thì không ổn, mà chỉ cấp cho nhưng người làm ở vị trí công việc nào đó có tính thiết yếu, cấp bách”, ông Bắc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.