Quảng Ninh tiến hành bảo vệ hòn Trống Mái

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
23/08/2023 05:59 GMT+7

Yêu cầu phương tiện cách xa bán kính 70 m, bơm trám bê tông… là các phương án bước đầu của Quảng Ninh để bảo vệ hòn Trống Mái - biểu tượng của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Tàu du lịch bủa vây hòn Trống Mái

Hòn Trống Mái còn có tên gọi khác là hòn Gà Chọi, được chọn là biểu tượng cho du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Hình ảnh cặp đá vôi với hình dáng giống đôi gà trống mái đang chụm đầu vào nhau đã trở thành địa điểm check-in nổi tiếng của du lịch Hạ Long.

Quảng Ninh tiến hành bảo vệ hòn Trống Mái  - Ảnh 1.

Hiện tại, trước nguy cơ đổ sập hòn Trống Mái đến từ nhiều phía khác nhau, các cơ quan chức năng Quảng Ninh đã vào cuộc để bảo vệ biểu tượng của di sản này.

Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, hằng ngày xung quanh hòn Trống Mái có hàng trăm phương tiện qua lại; trong đó chủ yếu là tàu vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long. Để chiều lòng các "thượng đế", các tàu thường áp sát hòn Trống Mái. Cá biệt có phương tiện còn đưa du khách chạm tay vào biểu tượng độc đáo này.

Ông Nguyễn Quang Trung (48 tuổi, thuyền trưởng tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long) cho biết: "Tại khu vực hòn Trống Mái không có lực lượng chức năng túc trực, các tàu khách vô tư di chuyển xung quanh cặp núi đá này. Du khách đứng tạo dáng trên boong, che khuất tầm nhìn của thuyền trưởng khiến không ít lần chúng tôi cũng gặp phen hú vía vì tàu gần như suýt đâm vào hòn Trống Mái".

Lo ngại cặp gà Trống Mái "sứt mào tòe mỏ"

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, trên di sản thiên nhiên thế giới này có hàng nghìn núi đá vôi với nhiều hình thù khác nhau. Trải qua hàng nghìn năm hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động ăn mòn của nước biển, các núi đá này đứng trước nguy cơ sạt lở do phong hóa.

Thực tế cho thấy, vào năm 2016, người dân và du khách ngỡ ngàng trước việc hòn Thiên Nga bị mất đầu. Nguyên nhân được cơ quan chức năng Quảng Ninh xác định là do hiện tượng địa chất tự nhiên dẫn tới núi đá bị phong hóa, gây sạt lở.


Nghiên cứu phục dựng hòn Phụ Tử

Quảng Ninh tiến hành bảo vệ hòn Trống Mái  - Ảnh 3.

Hòn Phụ Tử sau 17 năm xảy ra sự cố gãy đổ hòn Phụ

Xuân Lam

Gần đây, Kiên Giang đang nghiên cứu phục dựng hòn Phụ Tử (xã Bình An, H.Kiên Lương) sau 17 năm hòn bị đổ gãy.

Chiều 22.8, ông Mai Văn Huỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết tỉnh này đã giao Sở VH-TT làm đầu mối tiến hành lấy ý kiến cũng như làm các bước khảo sát, đánh giá khả năng phục dựng hòn Phụ Tử.

Trước đó, vào tháng 8.2006, mưa giông, sóng lớn đã làm hòn Phụ của hòn Phụ Tử bị gãy đổ, chìm xuống biển. Nguyên nhân sau đó được xác định là do địa chất dưới chân hòn Phụ Tử yếu, lại bị tác động từ triều cường, sóng lớn khiến nhiều kết cấu đá trên hòn dễ nứt ra, bong tróc… dẫn đến gãy đổ phần trên của hòn Phụ.

Khi chưa bị gãy, hòn Phụ Tử là một đảo đá nhỏ gồm hai khối đá liền kề nhau, nằm trên một bệ đá cao khoảng 5 m so với mặt biển; trong đó hòn Phụ cao khoảng 33,6 m và hòn Tử cao khoảng 30 m. Từ nhiều năm trước, hòn Phụ Tử đã là một danh thắng, biểu tượng về du lịch của Kiên Giang. Những câu chuyện dân gian về hòn Phụ Tử là hình tượng của hai cha con nơi xóm chài quấn quýt nhau, cùng trông ra biển cả... cũng chiếm được nhiều tình cảm của du khách.

Sau sự cố hòn Phụ đổ gãy, Kiên Giang phối hợp Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hội thảo bàn phương án phục dựng hòn Phụ. Tuy nhiên ngoài những lo ngại địa chất quanh hòn Phụ Tử không bền vững thì kinh phí phục dựng quá lớn khiến dự án chưa thể thực hiện.

Theo ông Mai Văn Huỳnh, trước mắt Kiên Giang sẽ mời các đơn vị tư vấn chuyên ngành, khảo sát địa chất, lên thiết kế để tính toán lại khả năng phục dựng, sau đó lấy ý kiến nhân dân. "Nếu thuận lợi, ngay trong năm 2023 này, Kiên Giang sẽ lập dự án phục dựng hòn Phụ Tử nhằm khôi phục, tôn tạo cảnh quan, góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương", ông Huỳnh nói.

Đình Tuyển - Xuân Lam


Trước đó, vào năm 2013, hòn 649 sau trận mưa lớn bị sạt lở nghiêm trọng, cả một vạt núi vài trăm tấn đất đá bị đổ ồ ạt xuống vịnh Hạ Long.

Trước lo ngại về việc núi đá vịnh Hạ Long mất đi vẻ đẹp, hình thù độc đáo, ngày 24.3.2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long".

Cụ thể, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (KHĐC-KS, Bộ TN-MT) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ sau khi ký hợp đồng với Sở KH-CN Quảng Ninh. Theo Th.S Hồ Tiến Chung, Phó trưởng phòng Kiến tạo và địa mạo (Viện KHĐC-KS), bước đầu kết quả khảo sát cho thấy, hòn Trống Mái có 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối. Phân tích mô hình các kiểu trượt cho thấy có tổng cộng 13 khối có nguy cơ trượt phẳng (hòn Trống có 6 khối và hòn Mái 7 khối) và 23 khối có nguy cơ đổ lở, lật đổ (hòn Trống có 2 khối và hòn Mái 21 khối). Đáng chú ý, một số vị trí có nguy cơ sạt lở nằm ở "mào" hòn Trống, "mỏ" hòn Mái. Vì thế, nếu bị sạt trượt thì hình dáng đôi gà Trống Mái sẽ không còn.

Theo ông Phan Đăng Chính, Phó giám đốc Sở KH-CN Quảng Ninh, đơn vị vừa yêu cầu Viện KHĐC-KS hoàn thành các nội dung đánh giá hiện trạng để nghiệm thu bàn giao Sở VH-TT, Ban Quản lý vịnh Hạ Long ngay trong tháng 8 này; đồng thời báo cáo UBND tỉnh cho triển khai các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái.

Yêu cầu tàu du lịch tránh xa "cặp gà"

Theo các chuyên gia của Viện KHĐC-KS, mỗi vị trí khác nhau trên hòn Trống Mái chịu ảnh hưởng tổng hòa của nhiều yếu tố tác động và có độ ăn mòn khác nhau. Do đó, với mỗi vị trí có nguy cơ đổ lở, trượt lở cần phải đánh giá tích hợp ảnh hưởng của nhiều yếu tố để từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đối với hòn Trống Mái phải hết sức thận trọng, chỉ nên tác động nhỏ nhất có thể, không làm thay đổi cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái.

Về giải pháp tạm thời, Viện KHĐC-KS đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh giới hạn tốc độ cho phép trong bán kính của hòn Trống Mái là 10 km/giờ; phân luồng ra vào điểm tham quan này và khống chế khoảng cách tối thiểu để du khách ngắm cảnh là 50 m. Ngoài ra, giải pháp ổn định lâu dài bảo vệ hòn Trống Mái là xây tường bê tông để gia cố sức chịu tải, trước khi phun bê tông phù hợp nhằm hạn chế sự ăn mòn, mở rộng khe nứt.

Ông Vũ Văn Kinh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, cho biết Sở vừa có văn bản đề nghị các đơn vị nghiệp vụ của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Cảng vụ đường thủy nội địa tuyên truyền tới các chủ tàu, thuyền trưởng chở khách tham quan khi đi qua khu vực hòn Trống Mái cho phương tiện giảm tốc độ tới mức thấp nhất là 10 km/giờ để tránh tạo thành sóng va đập vào núi đá; giữ khoảng cách tiếp cận hòn Trống Mái khoảng 70 m.

Cũng theo ông Kinh, Sở đang cho thiết kế phao và chuẩn bị lắp đặt xung quanh hòn Trống Mái để làm mốc ranh giới, cảnh báo cho các phương tiện khi lưu thông qua đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.