Quảng Ngãi ở Sài Gòn

09/11/2020 08:00 GMT+7

“Giường bố, ghế bố, giẫn (võng) xếp. Thu mua đồ cũ, đẩu (đổi) lấy đồ mới” là câu rao mua hàng dạo khá phổ biến ở Sài Gòn, được thu bằng giọng Quảng Ngãi rặc ri. Nghe thôi đã thấy thương, thấy nhớ quê mình...

Ở Sài Gòn hơn 20 năm, không hiểu sao tôi vẫn giữ thói quen nhìn biển số 76 khi chạy xe. Ra đường, cứ thấy xe biển số 76, thế nào tôi cũng chạy lên ngang với người ta, nhìn một cái có phải người quen không rồi tự tủm tỉm cười. Hồi còn chạy xe biển số Quảng Ngãi, sau khi nhìn xong, tôi sẽ chạy vượt qua rồi đi chậm lại cố ý để cho người phía sau thấy. Kiểu như “ê ê, tui cũng dân Quảng Ngãi nè”. Trong hàng trăm, hàng ngàn lần như thế, tôi chưa gặp người quen, cũng chưa bao giờ bắt chuyện với họ. Nhưng có sá gì, gặp người Quảng Ngãi ở Sài Gòn trong tích tắc giữa đường sá xô bồ như vậy đã thấy vui rồi.
Khu nhà tôi ở hầu như không có người Quảng Ngãi. Mỗi lần có chị bán tàu hủ, cô mua ve chai đi ngang, nếu ở nhà thế nào tôi cũng mua hàng hoặc tìm thứ gì đó không còn dùng đến để gửi cho chị. Đó là cái cớ bắt chuyện với mấy chị, để được nghe giọng nói quen thuộc quê mình. Tiếng Quảng rặt luôn. Các chị vô Sài Gòn khi đã lớn tuổi, quây quần với những người cùng quê trong những căn trọ nên giọng hầu như không thay đổi. Giọng rất nặng nhưng rất gần gũi. Người ta nói giọng Quảng Ngãi như “dùi đục chấm nước mắm” - kiểu cộc cằn, khó nghe, khó gần ấy. Không nhớ năm nào đó, quê bị lũ nặng, thời sự 19 giờ có ghi hình và phỏng vấn người dân Đức Phong, Mộ Đức quê tôi. Khi phát phỏng vấn người dân, VTV đã chạy phụ đề tiếng Việt phía dưới! Đúng là giọng nói khó nghe với đại đa số nhưng với tôi, nó rất gần gũi, như máu thịt của mình.
Lúc mới chuyển về khu này, khi hỏi một chị ve chai số điện thoại để lần sau có đồ không dùng, tôi gọi chị đến lấy, chị nói: “Chị không nhớ số. Chị để điện thoại trong thụi (túi áo), chửng chàng (từ từ) chờ chị lấy nhá máy qua”. Trời đất, chị mà nói “thụi” với người Sài Gòn chắc họ không biết chị để ở đâu đâu. Chị làm tôi nhớ hồi mới vô Sài Gòn. Tôi cũng nói cái thụi và đám bạn đại học không ai hiểu đó là cái gì. Ra tiệm tạp hóa, tôi hỏi mua giấy manh, người bán không biết đó là loại giấy gì. Tôi phải mô tả, họ ồ lên khi hiểu ra và bán cho tôi giấy kẻ ngang. Hỏi mua cái quảu (rổ), chị bán hàng ngớ người hỏi đi hỏi lại mấy lần…
Quảng Ngãi ở Sài Gòn còn phải kể đến những món ăn. Nhiều thì không hẳn nhưng tìm một quán bán đồ ăn Quảng Ngãi ở Sài Gòn không hề khó. Có lần tôi dắt bạn người miền Tây đi ăn đặc sản quê mình ở một quán trên đường Hồ Bá Kiện, quận 10. Ram bắp, bánh xèo tép, bò cuốn lá lốt. Món nào bạn cũng khen nức nở. Đến món don, bạn tôi hỏi món gì lõng bõng nước không vậy, không có gì ăn kèm sao? Bỏ ít bánh tráng nướng, dằm vô chút ớt kim (ớt hiểm), vừa húp xì xụp vừa lau mồ hôi lã chã. Món ăn Quảng Ngãi là vậy, không trang trí cầu kỳ hay nấu nướng phức tạp nhưng lạ miệng, đậm vị.
Có lần khách đến nhà, để thật đặc biệt, vợ chồng tôi tính đãi món gỏi chuối. Mà ở Sài Gòn, đất không có cho người ở, lấy đâu ra đất trồng chuối, mà phải là chuối chát (chuối hột) thân mới ngọt và mềm. Bắp chuối (bông chuối) dễ dàng mua ngoài chợ nhưng làm gỏi không ngon bằng cây chuối. Vợ tôi nhờ bạn ở Bình Chánh xin một cây chuối chát non sau đó dùng dao bào xắt thành từng cọng mỏng, làm gỏi chuối với tép, thêm ít đậu phộng rang, rau thơm phải có hẹ lá nhỏ, nướng mấy cái bánh tráng ở quê đem vô. Bánh tráng xúc gỏi chuối phải nói là ngon nhức nhối. Đến tận bây giờ, mỗi khi gặp lại, bạn tôi vẫn nhắc về món gỏi chuối năm nào. Bạn nói cũng thử làm món gỏi này nhưng vị chưa đúng, chưa ngon như món đã từng ăn.
Món ăn Quảng Ngãi đúng vị, phải nấu với các loại gia vị, rau thơm bản xứ. Chợ búa tôi không rành lắm nhưng vợ tôi hay đi chợ Sơn Kỳ (Tân Phú) mua cá đồng, cá biển ở ngoải đem vô. Cá đồng phải kho với nghệ, nén củ, hẹ lá nhỏ. Những thứ rau thơm, gia vị này được bán nhiều ở chợ Bà Hoa (Tân Bình). Cá diếc bí (cá non, nhỏ như hột bí đỏ) kho sít với nghệ, ớt, nén, bỏ ít lá hẹ ta, chỉ nghe mùi thơm thôi đã muốn xỉu. Trời mưa, lành lạnh mà nấu món này, chỉ có “chết” cơm!
Tôi xa Quảng Ngãi hơn 20 năm, hộ khẩu định danh người địa phương cũng không còn nhưng lề thói của người quê, khẩu vị thì không mấy thay đổi. Cuộc sống thay đổi, con người già đi, suy nghĩ khác hơn, nhiều mối bận tâm và lo toan hơn nhưng cái tình quê hương, nghĩa đồng bào dường như bất biến.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.