Quảng Nam: Giám đốc hầu tòa, dự án thủy điện nghìn tỉ giờ ra sao?

Mạnh Cường
Mạnh Cường
13/08/2023 20:11 GMT+7

Hai lần tạm dừng thi công, gần nhất là khi giám đốc công ty cùng nhiều thuộc cấp hầu tòa liên quan đến vật liệu nổ trái phép, dự án thủy điện nghìn tỉ ở Quảng Nam đã phải thay thế người quản lý và điều chỉnh tiến độ...

Dự án thủy điện Nước Chè do Công ty CP thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng 120 ha, công suất 30 MW, ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ (H.Phước Sơn, Quảng Nam).

Sau thời gian tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, tháng 6.2018, dự án bắt đầu triển khai lại. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm sau, đến ngày 19.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang nhóm nhân viên Công ty TNHH Hoàng Nhi và Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ ngay tại công trình thi công thủy điện (địa bàn xã Phước Năng). 

Sau khi xảy ra vụ án, dự án thủy điện Nước Chè lại phải dừng thi công trong thời gian dài.

Cho phép chuyển đổi rừng tự nhiên để thực hiện dự án 

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành (đến tháng 12.2024), thời điểm này các hạng mục của dự án thủy điện Nước Chè như nhà máy, kênh dẫn nước, đập chính… đã cơ bản hoàn thành và đang chờ tích nước để phát điện. Ban đầu, dự kiến dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 12.2021.

Thủy điện gần 1.000 tỉ ở Quảng Nam giờ ra sao sau khi giám đốc hầu tòa? - Ảnh 1.

Đập chính của dự án thủy điện Nước Chè đến nay cơ bản đã hoàn thành

MẠNH CƯỜNG

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã ký ban hành quyết định gửi Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án thủy điện Nước Chè.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu và các nội dung báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án trên.

UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, các thông tin về tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu và các nội dung liên quan trong hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Thủy điện gần 1.000 tỉ ở Quảng Nam giờ ra sao sau khi giám đốc hầu tòa? - Ảnh 2.

2,56 ha rừng tự nhiên nằm trong lòng hồ của thủy điện Nước Chè đã được Chính phủ cho phép chuyển đổi để thực hiện dự án

MẠNH CƯỜNG

Ngoài ra, Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế…

Điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến cuối 2024 

Ông Hồ Văn Khu, Chủ tịch UBND xã Phước Năng, cho hay có khoảng 200 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Nước Chè. Thời điểm giám đốc của Công ty CP thủy điện Nước Chè chưa bị khởi tố, doanh nghiệp này đã nợ người dân hàng tỉ đồng, nhưng sau thời gian dài đi đòi nay đã thanh toán xong.

"Năm 2020, khi chủ đầu tư nhiều lần "thất hứa" vì chậm chi trả tiền hỗ trợ, đền bù thì có giai đoạn người dân liên tục lên trụ sở UBND xã phản ánh. Sau nhiều lần xã kiến nghị, mãi đến tháng 7 vừa rồi doanh nghiệp mới chi trả xong số tiền hàng tỉ đồng cho dân. Hộ nhận cao nhất là 500 triệu đồng, thấp nhất từ 20 - 30 triệu đồng", ông Khu nói.

Thủy điện gần 1.000 tỉ ở Quảng Nam giờ ra sao sau khi giám đốc hầu tòa? - Ảnh 3.

Một góc dự án thủy điện Nước Chè

MẠNH CƯỜNG

Ông Hồ Văn Bê, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết khi triển khai dự án thủy điện Nước Chè, có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nhưng đến nay các hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ, đền bù đối với diện tích đất sản xuất nằm trong phạm vi đường công vụ, kênh mương của dự án.

"Lòng hồ của dự án này rộng khoảng 60 ha. Hiện diện tích đất rẫy, đất sản xuất nằm trong lòng hồ chưa được nhận tiền hỗ trợ vì dính đất rừng tự nhiên. Chính phủ cũng đã cho phép chuyển đổi số diện tích này để thực hiện dự án. Chúng tôi đang cho rà soát, lập danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng để họ sớm nhận tiền hỗ trợ, đền bù", ông Bê nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết sau khi lãnh đạo Công ty CP thủy điện Nước Chè dính án hình sự do mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vật liệu nổ thì người điều hành, quản lý dự án cũng thay đổi.

Cụ thể, ông Hồ Sỹ Thái (50 tuổi, ở TP.Pleiku, Gia Lai), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nhi kiêm Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, không liên quan đến dự án này nữa. Người trực tiếp điều hành, quản lý dự án là vợ của ông Thái. Hiện nay tiến độ dự án vẫn được doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình.

Thủy điện gần 1.000 tỉ ở Quảng Nam giờ ra sao sau khi giám đốc hầu tòa? - Ảnh 4.

Cuối tháng 4.2023, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Hồ Sỹ Thái cùng nhiều thuộc cấp về tội mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vật liệu nổ

MẠNH CƯỜNG

Theo ông Điểm, Chính phủ đã đồng ý cho chuyển đổi 2,56 ha rừng tự nhiên trong lòng hồ thủy điện Nước Chè sang mục đích triển khai xây dựng dự án. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở TN-MT và Sở NN-PTNT hoàn tất các thủ tục liên quan cũng như hướng dẫn doanh nghiệp trồng rừng thay thế.

Vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 750 tỉ đồng, nhưng đến nay theo ông Điểm, doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, giờ chỉ cần hoàn tất việc đền bù trong lòng hồ là có thể ngăn dòng để phát điện. Với việc UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến cuối 2024, dự án chắc chắn sẽ đảm bảo đúng tiến độ. 

"Nếu không vướng 2,56 ha rừng tự nhiên thì có lẽ công trình đã tích nước, phát điện từ lâu", ông Điểm nhận định.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 13.8

Cuối tháng 4.2023, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Sỹ Thái, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nhi kiêm Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, cùng nhiều thuộc cấp về tội mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Theo cáo trạng, vì muốn đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa thủy điện Nước Chè vào vận hành, nhanh chóng trả nợ vay cho ngân hàng nên bị cáo Thái bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Chương mua trái phép vật liệu nổ của Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện để cho công nhân sử dụng.

Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, Hồ Sỹ Thái chỉ đạo Nguyễn Duy Tuân ký hợp đồng kinh tế về việc thi công công trình giữa Công ty TNHH Hoàng Nhi và Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện để hợp thức hóa việc mua bán trái phép vật liệu nổ, nổ mìn thi công thủy điện Nước Chè.

Từ tháng 4 - 9.2020, Hồ Sỹ Thái đã 9 lần mua bán, tàng trữ và cho cấp dưới sử dụng trái phép hơn 43 tấn thuốc nổ, 48.050 m dây nổ, 44.400 kíp nổ. Hơn 3 tấn thuốc nổ, 6.100 kíp nổ, 3.989 m dây nổ chưa kịp sử dụng đã bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện.

Sau nhiều ngày xét xử, TAND tỉnh Quảng Nam đã hoãn phiên tòa, yêu cầu bổ sung hồ sơ do một số người liên quan vắng mặt, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.