'Quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp

29/06/2023 14:31 GMT+7

Bộ Tư pháp nhận định tình trạng “quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.

Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Đấu giá tài sản năm 2016.

'Quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp - Ảnh 1.

Vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) từng gây xôn xao dư luận, được đánh giá là bất thường, tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực

NGỌC DƯƠNG

Lợi dụng “sân sau” để đấu giá

Theo Bộ Tư pháp, nhiều quy định về đấu giá tài sản hiện nay chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; có tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá; thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử.

“Việc này gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản”, Bộ Tư pháp đánh giá.

Về chất lượng dịch vụ đấu giá, cơ quan soạn thảo nhận định nhìn chung chưa có hiệu quả; tình trạng “quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.

Nhiều người có tài sản đấu giá (nhất là quyền sử dụng đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất) chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình đấu giá tài sản. “Một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau” để đấu giá”, Bộ Tư pháp dẫn chứng.

Hạn chế nữa được chỉ ra, đó là việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước.

'Quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp - Ảnh 2.

Phiên họp thẩm định dự án luật Đấu giá tài sản (sửa đổi)

BỘ TƯ PHÁP

“Thuốc đặc trị” thông đồng, dìm giá

Để khắc phục những hạn chế, bất cập vừa nêu, Bộ Tư pháp cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Bộ này đề xuất bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản, gồm: nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó, nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ 2 người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.

Đồng thời bổ sung thêm đối tượng thuộc trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: người có quan hệ gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái…), người có liên quan là cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật về doanh nghiệp (công ty mẹ, công ty con…) trong cùng một tài sản đấu giá.

Theo Bộ Tư pháp, quy định như trên sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa các chủ thể khi tham gia đấu giá.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất bỏ hình thức thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình, thống nhất một hình thức còn lại là thông báo trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Điều này vừa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong tiếp cận thông tin, vừa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số.

Dự thảo còn đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến đào tạo, quản lý đấu giá viên, quy chế đấu giá, quy trình tham gia đấu giá…

Hôm qua 28.6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.

Tại phiên họp, đại diện của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội nêu ý kiến về đề xuất bỏ hình thức thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình. Theo vị đại diện, cần xem xét cả quá trình đấu giá để đưa ra quyết định, bởi việc thông báo công khai là rất quan trọng, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nếu các tổ chức đấu giá “lách” được quy định này, việc đấu giá sẽ dễ bị “thao túng”.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu ý, cần đưa vào luật sửa đổi những nội dụng chọn lọc, thật sự cần thiết để khắc phục những hạn chế đã được nhận diện, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.

“Thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả, do vậy nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp giúp tăng tính minh bạch thì chúng ta hoàn toàn có thể quy định”, thứ trưởng gợi mở.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 29.6

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.