Quản và không quản giá

15/04/2022 04:18 GMT+7

Câu chuyện Nhà nước quản lý giá mì tôm, phở, cháo ở sân bay đã từng được đưa ra Nghị trường Quốc hội và gây tranh cãi suốt gần 1 thập kỷ qua vẫn chưa ngã ngũ, thì giờ đây tiếp tục xảy ra tương tự với giá vé máy bay .

Chẳng là Cục Hàng không vừa đề xuất tăng trần giá vé máy bay do nhiều loại chi phí liên quan đã tăng rất mạnh khiến các hãng hàng không thua lỗ. Đề xuất thì không mới, nhưng thay vì tranh cãi người đồng ý, người không thì điểm mới của lần này là hầu hết ý kiến đều cho rằng thay vì tăng trần nên bỏ luôn trần.

Nghĩa là Nhà nước hãy rút ra ngoài, để các doanh nghiệp tự quyết định giá theo nhu cầu thị trường. Bởi thị trường hàng không trong nước hiện nay cũng hết sức cạnh tranh, có sự tham gia của nhiều hãng với nhiều loại vé, mức giá khác nhau. Khi cung cao cầu thấp thì giá rẻ và ngược lại. Đó cũng chính là bản chất của kinh tế thị trường. Chưa kể giao thông còn có nhiều sự lựa chọn như đường bộ, đường sắt, đường thủy bên cạnh máy bay. Thế nên, Nhà nước quản lý giá ở thời điểm này không còn cần thiết. Cũng như không cần thiết phải quản cả giá mì tôm, phở, cháo... mà chúng ta đang làm. Vì thời gian chờ ở sân bay không dài nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn, hoặc ăn trước hoặc mang theo một số đồ ăn, nước uống hay sử dụng dịch vụ ăn uống trên máy bay. Các doanh nghiệp kinh doanh trong sân bay vì thế cũng phải “nhìn” thị trường mà quyết định giá cả và dịch vụ, chứ chẳng ai ép khách phải ăn uống với giá quá đắt đỏ để rồi tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Với những sản phẩm, dịch vụ như thế này, vai trò của Nhà nước là tạo sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công bằng thông qua việc cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong kinh tế thị trường, càng cạnh tranh thì giá càng giảm, dịch vụ càng tốt, người tiêu dùng hưởng lợi vì có nhiều sự lựa chọn.

Còn quản lý giá, chỉ nên áp dụng đối với một số ít các mặt hàng thiết yếu, độc quyền, công ích theo hướng chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính, để đảm bảo lợi ích, công bằng cho tất cả các bên liên quan, nhất là người tiêu dùng. Trên thực tế, có mặt hàng chịu sự quản lý của rất nhiều quy định nhưng vẫn thỉnh thoảng xảy ra các hiện tượng bất thường, gây xáo trộn đến đời sống người dân cũng như xã hội.

Điển hình, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Thế nên, điều hành của các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan là rất quan trọng để kiểm soát nguồn cung, dự trữ chủ động cho nhu cầu của thị trường nội địa cũng như không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ ôm hàng, không đưa xăng ra bán, đợi giá tăng trong tương lai. Đồng thời, việc điều hành giá cần linh hoạt. Ví dụ, khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù giá, hỗ trợ cho các mục tiêu vĩ mô, giảm áp lực lên đời sống sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, thời gian qua thị trường đã chứng kiến thị trường xăng dầu nhiều phen lao đao vì khan hiếm nguồn cung, chỗ này nghỉ bán, chỗ kia tự ấn định định mức...

Mặt hàng nào cần quản, mặt hàng nào nên buông, cứ lấy lợi ích của người tiêu dùng làm thước đo là chính xác nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.