Quán phở 'được khách đặt tên' ông già tóc bạc ở TP.HCM: Nấu than củi, nhiều người khen ngon

16/11/2022 13:33 GMT+7

TP.HCM có quán phở của “ông già tóc bạc” tồn tại ngót nghét 30 năm, không biển hiệu, chỉ nấu bằng than củi. Hầu như khách nào tới đây ăn cũng “mê”, có người còn khẳng định đây là quán phở ngon nhất mà họ từng ăn qua! Bạn đã từng thử chưa?

Quán phở được khách đặt tên

Buổi sáng đẹp trời, tôi thong dong qua những con hẻm bình yên khu Tân Định (Q.1). Bỗng dưng, sự chú ý của tôi “va” vào một xe phở nhuốm màu thời gian, nằm an yên một góc đường Nguyễn Văn Nguyễn.

Xe phở của ông Hưng đơn giản nhưng khiến nhiều thực khách ấn tượng
cao an biên
Bà Ní tỉ mẩn làm món cho khách
cao an biên

Chiếc xe phở nổi bật trước quán ăn nho nhỏ không biển hiệu, với vài dòng chữ viết tay cổ điển, đơn giản: “Phở bò bình dân. Kính mời!”. Trong quán, là người đàn ông với mái tóc bạch kim và vợ tất bật chuẩn bị món phục vụ cho khách. Thời điểm này, trong quán, khách đều đặn, ngồi gần kín bàn.

Poll TNO
Bạn đã từng thử qua món phở của quán "ông già tóc bạc" chưa?

Đang chưa ăn sáng, mùi thơm rất “phở” tỏa ra không gian lành lạnh của buổi sớm mai khiến tôi phải dừng xe, tấp vào quán. Thấy tôi, ông Trịnh Quốc Hưng (64 tuổi, chủ quán), là “ông già tóc bạc” với nụ cười hiền niềm nở ra hỏi: “Nay con ăn gì?”. Tôi liền gọi một tô phở đặc biệt để xem có điều đặc biệt gì hay không, mà khách ghé ăn đông vậy.

“Tôi nghĩ nó ngon là bởi mình nấu bằng cái lương tâm của mình, nấu bằng tất cả tình cảm mình dành cho khách. Khách tôi toàn là người trẻ, đa phần bằng tuổi con, cháu mình và vợ chồng tôi nấu mọi thứ cũng như nấu cho con cháu mình vậy”.

Bà Ní

Tâm sự với tôi, ông Hưng kể quán phở này được ông và vợ mở ngót nghét 30 năm nay. Quán không có tên hay biển hiệu, nhưng vì khách quý và thương nên hay gọi là quán “ông già tóc bạc” - điểm đặc biệt của ông chủ để… “dễ nhận diện”.

Buổi sáng, khách đến ăn đông đúc
cao an biên
Hàng phở nhìn đơn giản nhưng hương vị thì... không đơn giản
cao an biên

Trước đó, ông chỉ là một chàng trai trẻ làm nghề giao nước đá. Ngày xưa, gia đình bà Ní (vợ ông) có một quán phở ít nhiều cũng có tiếng tăm ở Q.Bình Thạnh, như một duyên tình cờ “nghề chọn mình”, họ đã đồng hành cùng nhau gầy dựng quán phở để có như ngày hôm nay.

Từ công thức nấu phở gia truyền của gia đình vợ, 2 vợ chồng ông “làm lại từ đầu” ở khu Tân Định này. Buôn bán có duyên, quán ăn ngày càng đông khách, và giờ cũng đã có một lượng khách ruột ổn định.

Poll TNO
Bạn thấy sao về phở "ông già tóc bạc"?

“Tất nhiên khi mở quán, bên cạnh công thức ba mẹ tôi truyền lại mình cũng lắng nghe ý kiến của khách, thay đổi, nghề dạy nghề, để có được công thức hoàn thiện như ngày hôm nay”, bà Ní tự hào.

Vợ chồng ông Hưng mở hàng phở này gần 30 năm
cao an biên
Nguyên liệu được vợ chồng chủ quán lựa chọn tỉ mỉ
cao an biên

Lát sau, tô phở nóng hôi hổi được dọn ra trước mặt, nghi ngút khói. Bụng cồn cào, tôi lập tức nếm thử và thực sự nó đã không khiến tôi thất vọng. Nước dùng đậm đà, thịt, gân, sụn bò tươi ngon, bò viên dai giòn sừng sực. Ăn phở kèm với một chút rau sống như rau ôm, quế, rau thơm, ngò gai và phần tương đặc biệt thì “hết sẩy”.

Riêng khẩu vị của cá nhân tôi, chấm 9/10, xứng đáng để ăn qua nhiều lần. Tất nhiên, sau lần này, tôi cũng thầm nghĩ mình sẽ là mối ruột của vợ chồng “ông già tóc bạc”.

Nước dùng đậm đà
cao an biên

“Làm sao để phở được ngon và đậm đà vây cô chú? Có phải do mình nấu hoàn toàn bằng than củi hay không?”, bà Ní lắc đầu, từ tốn: “Tôi nghĩ nó ngon là bởi mình nấu bằng cái lương tâm của mình, nấu bằng tất cả tình cảm mình dành cho khách. Khách tôi toàn là người trẻ, đa phần bằng tuổi con, cháu mình và vợ chồng tôi nấu mọi thứ cũng như nấu cho con cháu mình vậy”.

Hẳn vì lẽ đó, mà mọi thứ ở trong quán ăn này, đều gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp đến bất ngờ. Mỗi tô phở được nấu, dù khách đông hay thưa, tôi đều thấy được sự tỉ mẩn, chăm chút của ông bà chủ như đặt hết tâm huyết vào đó. Thực sự như họ đang nấu cho người nhà của mình vậy.

Với bà Ní, bà nấu bằng lương tâm, bằng tình cảm dành cho những vị khách thương mến của mình
cao an biên

Hỏi về việc nhiều khách nhận xét rằng quán phở của ông bà “ngon nhất Sài Gòn”, ông Hưng cũng tâm sự rằng nếu xét về hương vị, có lẽ vẫn còn nhiều quán phở ngon hơn. Nhưng, khẩu vị mỗi người mỗi khác, và có lẽ nếu khách thấy phở ở đây ngon nhất, hẳn cũng là vì họ cảm nhận được cái tình của vợ chồng già gửi gắm vào đó.

“Thường vợ chồng tôi hiếm khi nào nghỉ bán, trừ trường hợp bất khả kháng. Chẳng hạn hôm đó không có nguyên liệu ngon, ưng ý, thì mình cũng không thể nào mua nguyên liệu kém hơn để bán cho khách được. Lương tâm mình không làm được điều đó. Với lại nghỉ bán một ngày là nhớ khách lắm rồi!”

Ông Hưng

Tuổi già tự lập, không muốn dựa vào con cái

Ở đây, mỗi phần phở có giá từ 42.000 - 52.000 đồng tùy loại, nếu khách có nhu cầu thì vẫn có thể gọi tô phở đắt hơn. Mở quán chỉ từ 6 giờ - 13 giờ mỗi ngày, ông bà nói rằng vì tuổi đã cao, nên không thể bán cả ngày được. Họ cũng muốn dành nhiều thời gian trong khâu chuẩn bị để mang tới một tô phở trọn vẹn nhất cho khách trong ngày hôm sau.

“Thường vợ chồng tôi hiếm khi nào nghỉ bán, trừ trường hợp bất khả kháng. Chẳng hạn hôm đó không có nguyên liệu ngon, ưng ý, thì mình cũng không thể nào mua nguyên liệu kém hơn để bán cho khách được. Lương tâm mình không làm được điều đó. Với lại nghỉ bán một ngày là nhớ khách lắm rồi!”, ông chủ tâm tình.

Giá phở dao động từ 42.000 đồng - 52.000 đồng. Trong ảnh là tô đặc biệt giá 60.000 đồng
cao an biên

Còn với bà chủ, hàng phở này chính là niềm vui mỗi ngày của bà. Bà hạnh phúc khi được chào đón và nghe lời chào của khách mỗi ngày. Có những người con đều đã có sự nghiệp ổn định, nhưng ông bà vẫn duy trì hàng ăn này, phần vì muốn tự mưu sinh không lệ thuộc vào các con, phần vì tìm thấy hạnh phúc ở tuổi xế chiều từ công việc này.

“Ở đây, tôi thấy nhịp sống của Sài Gòn mình như chậm lại. Xe phở bên ngoài với những dòng chữ hoài niệm, bếp than nấu nồi nước lèo, tiếng trò chuyện, hỏi thăm giữa khách và chủ khiến mỗi tuần, hầu như cách 1 - 2 ngày là mình lại ghé”

Anh Phạm Hoạt (thực khách)

Anh Phạm Hoạt (34 tuổi, ngụ Q.1) cho biết mình là khách “ruột” của quán suốt nhiều năm nay, từ một lần biết đến quán thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Điều anh thích nhất ở quán ăn này chính là sự bình yên của khu Tân Định và sự thân thuộc của không gian quán.

“Ở đây, tôi thấy nhịp sống của Sài Gòn mình như chậm lại. Xe phở bên ngoài với những dòng chữ hoài niệm, bếp than nấu nồi nước lèo, tiếng trò chuyện, hỏi thăm giữa khách và chủ khiến mỗi tuần, hầu như cách 1 - 2 ngày là mình lại ghé”, anh nói.

Nhiều khách là "mối ruột" của quán suốt nhiều năm nay
cao an biên
Tuổi già của 2 vợ chồng ông Hưng hạnh phúc với hàng ăn, vừa là để mưu sinh không lệ thuộc vào các con, vừa tìm thấy niềm vui trong công việc
cao an biên

Trong khi đó, chị Hạnh Lê (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cũng thường ghé đây ăn vì tính cách dễ thương của ông bà chủ. Thường thường, chị hay đến đây cùng người quen, bạn bè và thích nhất phần sụn trong tô phở.

“Bánh phở cũng khá là đặc biệt nha, mình có cảm giác nó được làm theo kiểu truyền thống hồi xưa. Nếu có nói đây là tô phở ngon nhất mình từng ăn cũng có thể đúng, vì từ hồi ăn ở đây, mình ít ăn chỗ khác lắm, cũng hơn 1 năm rồi”, chị nói thêm.

Poll TNO
Bạn nghĩ sao về hàng quán của những cụ ông, cụ bà ở TP.HCM?

Và, với vợ chồng ông già tóc bạc, hàng phở này sẽ còn được duy trì bằng cả tâm huyết và tấm lòng của mình, đến khi nào không còn sức làm nữa, mới thôi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.