Quản lý trí tuệ nhân tạo

10/04/2024 06:15 GMT+7

Việc xây dựng cơ sở pháp lý để kiểm soát và khai thác trí tuệ nhân tạo đang trở thành một thách thức chung cho nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tỉ phú Elon Musk, người nắm giữ, điều hành hàng loạt công ty danh tiếng trên thế giới (như hãng xe hơi Tesla, công ty hàng không vũ trụ SpaceX, mạng xã hội X (Twitter cũ), công ty khởi nghiệp xAI chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI)…) vừa có cuộc nói chuyện với ông Nicolai Tangen, Tổng giám đốc Quỹ quốc gia của Na Uy, về sự phát triển của AI.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều thách thức

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều thách thức

ĐƯỢC TẠO TỪ AI

Reuters ngày 8.4 dẫn lời tỉ phú Musk khẳng định trong vòng 2 năm tới, AGI (AI nói chung) thông minh hơn con người thông minh nhất. Thậm chí, vị tỉ phú này cho rằng điều đó có thể xảy ra "ngay trong năm tới". Điều tỉ phú Elon Musk phát biểu cũng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của AI, vốn đã bùng nổ trong thời gian qua, đồng thời cũng đặt vấn đề cho nhân loại về việc kiểm soát AI khi AI thông minh hơn "người thông minh nhất".

Nhiều nước vào cuộc

Tờ Bangkok Post mới đây đưa tin Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng của Hạ viện Thái Lan đang xúc tiến dự luật nhằm giải quyết vấn đề AI. Liên quan vấn đề này, Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) cũng đã kêu gọi chính phủ sở tại thay đổi đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng để phù hợp với các xu hướng công nghệ đang phát triển, đặc biệt là AI...

Liên quan vấn đề này, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) giữa tháng 3 đã thông qua bước cuối cùng của luật kiểm soát AI. Dự kiến có hiệu lực từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới, đạo luật AI của EU trước nhất hướng đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm kiểm soát những rủi ro có thể xảy đến.

Cuối năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp sâu rộng về AI, dự kiến sẽ phối hợp cùng các nền tảng luật pháp toàn cầu về AI. Ở cấp thấp hơn, các nhà lập pháp của nhiều bang tại Mỹ đang nghiên cứu luật AI của riêng tiểu bang. Tương tự, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thì đề xuất Sáng kiến quản trị AI toàn cầu. Hay Brazil, Nhật Bản, cũng như các tổ chức như LHQ đang xây dựng các luật về AI.

Cũng vào năm ngoái, Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức hồi tháng 5 tại Hiroshima (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo của khối đã quyết định khởi động một giao thức quản trị AI mang tên "Quy trình AI của Hiroshima", đánh dấu một bước quan trọng trong quy định về AI trên toàn thế giới. Quy trình này nhằm đảm bảo việc phát triển và triển khai AI phù hợp với các giá trị dân chủ được chia sẻ của các quốc gia G7.

Đến tháng 11.2024, Anh, Mỹ và hơn 12 quốc gia khác đã nhất trí thông qua bộ hướng dẫn toàn cầu về bảo mật liên quan AI. Đây được xem là thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên nhằm đảm bảo AI an toàn cho người dùng. Theo tài liệu hướng dẫn gồm 20 trang của bộ hướng dẫn này, tổng cộng 18 nước đồng ý rằng các công ty thiết kế và đưa vào sử dụng AI cần phải tránh nguy cơ AI trở thành công cụ của các phần tử bất hảo và gây phương hại cho người dùng.

Bảo vệ người dân, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Tại VN, trả lời Thanh Niên ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT), cho biết trong thời gian qua, đơn vị này đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ TT-TT thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản phẩm AI, đặc biệt là AI phục vụ các đối tượng khác nhau. Ngoài triển khai ứng dụng AI, ông Tiến cho hay cơ quan nhà nước liên quan đang tiếp tục xây dựng hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai AI hiệu quả.

Nhiều quốc gia đang củng cố pháp lý về AI

Nhiều quốc gia đang củng cố pháp lý về AI

ĐƯỢC TẠO TỪ AI

"Bên cạnh những lợi ích mà AI mang lại, nếu chúng ta không lường trước sẽ có những rủi ro, đặc biệt khi chúng ta lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển AI. Việc xây dựng môi trường pháp lý cho AI vừa để phát triển kinh tế, bảo vệ người dân, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…", ông Nguyễn Phú Tiến nhìn nhận.

Thông tin về tiến trình nghiên cứu môi trường pháp lý liên quan đến AI, ông Tiến cho biết thêm ngày 26.1.2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của VN trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong chiến lược này đã xác định rõ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI vào cuộc sống; phát triển, ứng dụng AI lấy con người, doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Giao trách nhiệm cho các bộ, ngành

Chiến lược quốc gia đã giao trách nhiệm khá rõ cho các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển và ứng dụng AI. Cụ thể, Bộ KH-CN được giao xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI.

Bộ TT-TT xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến luật Giao dịch điện tử; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI; thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox); tạo không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng… Hiện Cục Chuyển đổi số quốc gia đang xây dựng nghị định, thông tư liên quan.

Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động phát triển và ứng dụng AI và về đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hoạt động liên quan tới AI.

Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI.

"Trong thời gian tới, với trách nhiệm của Bộ TT-TT, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp lý này. Quan điểm xuyên suốt trong việc xây dựng quy định pháp lý liên quan đến AI là phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", ông Tiến khẳng định.

Vẫn theo ông Tiến, Bộ TT-TT đã làm việc với các doanh nghiệp và nhận được cam kết đồng hành trong việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng nhưng không kìm hãm sự phát triển của xã hội. 

Tiềm năng to lớn

Phát biểu tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect diễn ra gần đây tại TP.San Jose (bang California, Mỹ), ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc của Intel, nhấn mạnh sự chi phối toàn diện của AI đối với hầu hết các lĩnh vực. Qua đó, AI hiện diện từ các hệ thống nội bộ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, điện toán đám mây, xe điện… Ông dẫn một số kết quả nghiên cứu dự báo tổng nhu cầu thị trường AI đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Cũng nhờ AI, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng hơn 15% trong tổng nền kinh tế toàn cầu và sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.

Ngoài việc thúc đẩy ứng dụng, trợ lý ảo… hỗ trợ con người, AI còn thúc đẩy cuộc cạnh tranh phát triển chip bán dẫn ở mức độ cao hơn, có tính hệ thống hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển AI. Để chạy một mô hình dạy cho máy học nhằm phát triển AI thì hiện có thể phải cần đến hàng trăm ngàn bộ xử lý trung tâm (CPU) và sắp đến đòi hỏi đến hàng triệu CPU cho mỗi mô hình phát triển máy học.

Phát Tiến

Quản lý trí tuệ nhân tạo- Ảnh 3.

Chiến lược phát triển ứng dụng AI của VIỆT NAM đến năm 2030

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.