Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
11/03/2023 16:27 GMT+7

Theo UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh), hàng năm địa phương này được trích lại 4% số tiền công đức tại Khu danh thắng Yên Tử nhưng tiền giọt dầu thì không.

Bí ẩn tiền giọt dầu ở Yên Tử

Theo UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh), việc quản lý tiền công đức do một hội đồng quản lý, giám sát, gồm các đại diện của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa); Công an TP.Uông Bí; Phòng Tài chính Kế hoạch TP.Uông Bí. Hội đồng giám sát có trách nhiệm hướng dẫn nhà chùa trong việc quản lý ghi, thu công đức.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%  - Ảnh 1.

Tiền công đức tại Khu danh thắng Yên Tử có hội đồng với sự tham gia của chính quyền, các cơ quan chức năng giám sát

NH

Ngoài ra, hội đồng có nhiệm vụ niêm phong hòm công đức bằng tem niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần trong hội đồng để giao cho các tổ ghi thu công đức; mở hòm công đức, kiểm đếm số tiền công đức trong hòm, kiểm tra việc ghi thu chép trong sổ vàng công đức; ký biên bản xác nhận số tiền thực tế kiểm đếm; ký biên bản bàn giao toàn bộ số tiền trong đợt mở hòm công đức cho Ban quản lý tôn tạo Yên Tử (hiện do Hòa thượng Thích Thanh Quyết làm trưởng ban - PV) để gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng sử dụng theo các quy định tại quy chế quản lý thu và sử dụng tiền công đức.

Tại Khu danh thắng Yên Tử, mỗi điểm di tích không đặt quá 3 hòm công đức tại các ban thờ chính. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên ban thờ chính. Các hòm công đức đều dán tem niêm phong đầy đủ. Tem có chữ ký của đại diện Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan.

Tỷ lệ phân bổ số tiền công đức theo công thức: phía nhà chùa quản lý và sử dụng 96%; 4% còn lại thuộc về Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Riêng tiền giọt dầu nhà chùa quản lý, chính quyền không giám sát.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%  - Ảnh 2.

Số tiền người dân đặt tại các ban thờ cùng lễ vật do nhà chùa quản lý

NH

Cũng theo UBND TP.Uông Bí, trung bình mỗi năm số tiền công đức tại Khu danh thắng Yên Tử vào khoảng 30 tỉ đồng. Và, với 4% được trích lại, thì mỗi năm, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhận được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì số tiền công đức không thu được là bao.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo TP.Uông Bí cho biết: "Lâu nay mọi người vẫn nhầm tiền công đức và tiền giọt dầu, đây là 2 hòm được quản lý khác nhau. Người dân khi đi lễ thường đặt tiền giọt dầu, cúng dường ở trên các ban thờ. Số tiền này do nhà chùa quản lý, chính quyền không biết là bao nhiêu".

Nhiều người dân cũng cho rằng số tiền giọt dầu cũng nên được công khai, giám sát như tiền công đức. Bởi lẽ, người dân thường đặt số tiền này khá lớn nhưng không biết được quản lý như thế nào.

Thủ tướng yêu cầu thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại Quảng Ninh

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%  - Ảnh 3.

Thu gom số tiền giọt dầu tại chùa Long Tiên

LÃ NGHĨA HIẾU

Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào. Nhằm khắc phục phần nào tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04.2023, hiệu lực từ ngày 19.3, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo quy định, nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Với tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định cũng được thu gom, kiểm đếm.

Tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%  - Ảnh 4.

Số tiền giọt dầu tại chùa Long Tiên được thu gom để quản lý

LÃ NGHĨA HIẾU

Trường hợp tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.