Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy

22/12/2021 08:45 GMT+7

Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý tại gia đình trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ra quyết định. Việc quản lý được xem là biện pháp phòng ngừa người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đây là một trong những quy định mới tại luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022.

Mặc dù luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa xã hội, một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Đáng chú ý, theo luật hiện hành, chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt cảnh cáo từ 500.000 - 1 triệu đồng không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy hết sức phức tạp.

Người nghiện chính ma túy trên đường phố ở TP.HCM

ảnh: Trần Tiến

Ngày 30.3.2021 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã được thông qua nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành. Quy định mới nhằm ngăn ngừa và hạn chế người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Đáng chú ý, luật mới bổ sung thêm một chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên. Việc quản lý này được xem là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp họ không tiếp tục sử dụng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 1 năm bởi UBND cấp xã; đồng thời quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian này, gia đình có trách nhiệm ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy cho công an cấp xã nơi cư trú.

Trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy không có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian quản lý, dừng quản lý hay chuyển đến cư trú ở địa phương khác sẽ được đưa ra khỏi danh sách quản lý.

Đối với người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Một điểm mới nữa của luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

Ngoài ra, luật mới bổ sung quy định về trách nhiệm phòng, chống ma túy và một số chính sách phòng, chống ma túy. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.

Theo Bộ Công an, việc quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.