Quan liêm nước Việt: Vàng quý không bằng tấm lòng trung

12/01/2023 07:20 GMT+7

Ở vị trí của người có quan hệ quyết định đến ngôi vua, vận nước, nhưng Thái phó Tô Hiến Thành, Thượng thư Đàm Văn Lễ đều lấy quốc thể làm trọng, không lóa mắt trước của đút.

Đại thần họ Tô không hổ thẹn với chức vị

Thái phó Tô Hiến Thành là đại thần thời Lý, dù quyền cao chức trọng, nhưng ông giữ vẹn tiết nghĩa phò vua giúp nước, khước từ sự giàu sang để danh thơm còn mãi. Sự nghiệp của ông được Việt sử yếu ghi: “Ở trong nước, ông dẹp yên loạn Thân Lợi làm phản, chống lại triều đình nhà Lý; ở bên ngoài, ông thu phục được nước Ai Lao và nước Ngưu Hống. Hai lần làm chức quan Phụ chính (phụ tá ấu chúa là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông), mà trước sau họ Tô vẫn giữ trọn vẹn một tiết”. Sự vẹn tiết của ông, phải kể tới việc từ chối vàng bạc đút lót. Việc này, Đại Việt sử ký toàn thư có chép.

Thái hậu đút lót vàng nhưng Tô Hiến Thành không nhận

Tranh tư liệu

Theo đó, vua Lý Anh Tông mất năm Ất Mùi (1175). Trước khi mất, vua di chiếu cho Thái phó Tô Hiến Thành giúp Thái tử Long Trát. Thái hậu muốn lập Thái tử cũ là Long Xưởng, vốn bị phế vì có tội. Bà sai người đem vàng đến nhà hối lộ cho vợ Tô Hiến Thành. Biết chuyện, ông kiên quyết không nhận: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Dù cho Thái hậu dùng mọi lẽ lay chuyển, nhưng vị quan họ Tô nhất nhật không theo: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu”. Bởi sự ngay thẳng của ông, mưu phế lập thay đổi ngôi vua không thành.

Việc làm này, sử gia Ngô Sĩ Liên ngợi ca: “Tô Hiến Thành nhân việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa”. Thế nên, trong Sử Nam bốn chữ khi nhắc đến ông là nói đến đức liêm: “Hiến Thành nhận chiếu/Phò dựng ngôi trời/Khinh vàng trọng ngãi (nghĩa)/Phụ chánh một người”. Viết Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức đã xếp Tô Hiến Thành vào mục “Hiền thần” và ca ngợi: “Nghĩa trọng tài khinh đấng trượng phu/Tấm lòng trung nghĩa sánh Y, Chu/Lâm chung để lại lời vàng đá/Sánh với trăng sao tứ phụ đồ”.

Hai quan vì nước từ vàng

Năm Giáp Tý (1504) vua Lê Hiến Tông mất. Việt sử cương mục tiết yếu cho biết mẹ nuôi của Lê Tuấn (tức vua Lê Uy Mục sau này) là Kính phi muốn lập Lê Tuấn làm vua, liền đem vàng đút lót cho Lễ Bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ để ông thay đổi di chiếu. Đàm Văn Lễ lấy quốc thể làm trọng, không nhận vàng đút lót, vẫn lập Hoàng tử Thuần lên làm vua Lê Túc Tông. Việc được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: “Trước kia, lúc Hiến Tông nằm giường bệnh, Kính phi có ý muốn lập nhà vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng đút lót Đàm Văn Lễ, Văn Lễ không nhận. Kịp khi Hiến Tông bệnh nguy kịch. Văn Lễ cùng Quang Bật nhận tờ di chiếu giúp hoàng thái tử nối ngôi vua. Lúc ấy các vương tranh nhau để được lập làm vua, Văn Lễ sợ việc biến xảy ra trong chốc lát, bèn vào nhà tẩm điện lấy quả ấn truyền quốc đem về nhà mình, rồi cùng các đại thần cùng lập Túc Tông”.

Vốn hai vị quan này đều xuất thân khoa cử, thấu rõ đạo lý Nho học “trung quân ái quốc”. Xem Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đàm Văn Lễ người xã Lam Sơn, H.Quế Dương (nay thuộc H.Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), thi đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1469). Tam khôi bị lục thông tin Nguyễn Quang Bật, người xã Bình Ngô, H.Gia Định (nay thuộc xã An Bình, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), thi đỗ năm Giáp Thìn (1484), là Trạng nguyên. Hai người họ Đàm, Nguyễn từng làm ngôn quan ở Ngự sử đài (ty Phong hiến), cơ quan giám sát, đàn hặc những việc làm sai trái từ vua đến quan. Đàm Văn Lễ vốn là Phó đô ngự sử, tham gia soạn Thiên Nam dư hạ tập, Thân chinh kỷ sự; Nguyễn Quang Bật thân là Đô ngự sử. Tầm quan trọng của Ngự sử đài được Bùi Xương Trạch nêu rõ: “Đài này là nơi rường mối của nước, tai mắt mọi người ở đó. Phải vô tư mới bắt bẻ người được, phải giữ mình đúng đắn mới chấp hành hiến pháp”. Bởi vậy, việc làm của Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật trên hết là vì nước, từ chối lợi lộc riêng tư.

Vua Lê Túc Tông lên ngôi nhưng sớm đoản mệnh, trị vì chỉ 6 tháng. Sau đó, Lê Tuấn được kế vị, là vua Lê Uy Mục. Hận việc không được đưa lên ngôi trước đây nên ngồi ngai vàng chưa lâu, Lê Uy Mục đã tìm cách trả thù, “truất Văn Lễ và Quang Bật đi giữ chức thừa chính sứ đạo Quảng Nam; khi hai người đi đến sông Chân Phúc, nhà vua sai người đuổi kịp, bắt phải tự tử”, Cương mục chép. Toàn thư cho hay việc xảy ra năm Ất Sửu (1505): “Tháng 6, ngày mồng 5, biếm bọn Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ, Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam, rồi giết đi”. Khi bị làm hại, Lịch triều hiến chương loại chí thông tin Đàm Văn Lễ 54 tuổi, đang là Lễ bộ Thượng thư, còn Nguyễn Quang Bật theo Tam khôi bị lục ghi là Đô ngự sử, 48 tuổi. Hai ông đã lụy thân vì nước, nhưng gương sáng sử sách mãi ghi.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.