Quan hệ Nga-Mỹ, vũ khí vượt âm, tái tranh cử: ông Putin nói gì dịp cuối năm?

21/12/2020 19:31 GMT+7

Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay được tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 . Ông Putin đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng gồm đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử Mỹ và cáo buộc ám sát chính trị gia đối lập Alexei Navalny .

Ông Putin thừa nhận 2020 là một năm phức tạp cho nước Nga và toàn thế giới, và chủ đề đại dịch chiếm phần lớn nội dung cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông cũng không bỏ qua những chủ đề được nhiều người quan tâm, như cuộc bầu cử Mỹ và cáo buộc ám sát chính trị gia đối lập.

Hy vọng vào chính quyền Biden

Ông Putin bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden có thể thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ song phương và giải quyết những vướng mắc kéo dài những năm qua.
Ông đặc biệt hy vọng chính quyền mới sẽ tiếp tục tham gia hiệp ước giảm vũ khí chiến lược (New START) với Nga. Đây là hiệp ước cuối cùng nhằm duy trì thế cân bằng hạt nhân giữa Nga và Mỹ, sẽ hết hạn vào tháng 2.2021. 
“Về hiệp ước kiểm soát vũ khí, đầu tiên là về hiệp ước New START, thì như tôi đã nói, chúng tôi muốn Mỹ chấp nhận và đồng ý rằng 2 nước nên triển hạn cho hiệp ước. Theo tôi hiểu thì chính Tổng thống tân cử Biden đã nói rằng ông ấy sẵn sàng triển hạn cho các hiệp ước. Chúng tôi sẵn sàng làm việc đó nhưng chúng tôi cần một phản ứng chính thức từ Mỹ", theo Tổng thống Putin.

Sẽ lại có chạy đua vũ trang?

Ông Putin cho rằng nước Nga củng cố quốc phòng với mục đích hòa bình. Tổng thống Nga trong dịp này cũng bình luận về việc phát triển những hệ thống vũ khí mới. Ông cho rằng Nga buộc phải làm điều này vì NATO không ngừng phát triển về hướng đông, vi phạm những lời hứa trước đó. 
“Chúng tôi đã nghe NATO nói rằng họ sẽ không tiến về hướng đông, sẽ không mở rộng về hướng đông. Đó là những tuyên bố miệng, không viết ra. Nhưng chúng tôi đã bị phản bội. Đã có làn sóng mở rộng NATO, các cơ sở quân sự đang tiến gần hơn đến biên giới với Nga. Chúng tôi nên phản ứng thế nào bây giờ? Ai đã rút khỏi các thỏa ước phòng thủ tên lửa? Cho nên kết quả là chúng tôi phải tạo ra các hệ thống tự vệ thôi", ông Putin giải thích.
Ông Putin cũng nhắc lại việc Nga đã phát triển vũ khí bội siêu thanh, và cho biết nước này đang tìm cách khắc chế loại vũ khí này: “Thứ mà Mỹ chưa có là vũ khí bội siêu thanh, nhưng họ rồi cũng sẽ có thôi, và chúng tôi phải xử lý vấn đề này. Nên chúng tôi cần tìm ra biện pháp khắc chế khi quân đội các nước khác cũng có vũ khí bội siêu thanh, và tôi tin rằng chúng tôi sẽ có được”.
Nhưng ông nhấn mạnh Nga không chạy đua vũ trang, khi không có ngân sách quốc phòng lớn và không có mạng lưới căn cứ quân sự trên toàn cầu: “Ngân sách quân sự của Nga là bao nhiêu? 46 tỉ USD. Ngân sách của Anh cao hơn vậy nhiều. Ngân sách của Mỹ là 770 tỉ USD. Nga xếp thứ 6 xét về số tiền chi vào quân sự. Pháp, Đức, Nhật, Anh và Mỹ, ai cũng xếp trên chúng tôi. Cho nên ai là kẻ bạo lực ở đây?".

“Nga chưa bao giờ can thiệp bầu cử Mỹ" 

Tổng thống Putin mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc cho rằng Kremlin và tin tặc do Nga hỗ trợ đã can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 và 2020.
“Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước Mỹ. Những cáo buộc trên đều là để làm quan hệ song phương xấu đi hơn nữa, làm mất tính hợp pháp của vị tổng thống hiện tại của Mỹ. Cứ như vậy mà quan hệ Mỹ - Nga đã trở thành con tin cho công việc nội bộ của Mỹ”, theo ông Putin.

Vụ Navalny là âm mưu của Mỹ

Ông Putin nói những cáo buộc cho rằng chính phủ Nga đứng sau vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny là một phần trong âm mưu do Mỹ hậu thuẫn để làm mất uy tín lãnh đạo nhà nước.
Ông Navalny đã được chuyển đến bệnh viện ở Đức hồi tháng 8. Chính phủ Đức cho biết kết quả xét nghiệm xác định ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok, chất độc thần kinh chết người từng được quân đội Liên Xô phát triển trong thập niên 1970 và 1980.
Theo một phóng sự điều tra mới được công bố, đã xác định được một nhóm sát thủ được cho là từ Tổng cục An ninh Liên bang của Nga (FSB) đã theo dõi ông Navalny trong nhiều năm, đồng thời nêu tên các sĩ quan tình báo và phòng thí nghiệm có trữ chất độc Novichok.
Tuy nhiên, ông Putin không tin rằng có ai đó, kể cả điện Kremlin, lại muốn ông Navalny phải chết, và ông cho rằng vụ đầu độc và phóng sự điều tra này nhằm một mục đích khác.
“Đây không phải là điều tra, mà là nỗ lực hợp pháp hóa các tài liệu do các cơ quan tình báo Mỹ cung cấp. Thật ra ông Navalny được tình báo Mỹ hỗ trợ, và nếu vậy thì dĩ nhiên ông cũng bị các cơ quan tình báo khác theo dõi thôi. Nhưng kể cả nếu ông ta có bị các cơ quan Nga theo dõi thì cũng đâu có nghĩa là cần phải đầu độc ông ấy. Như đã thấy, khi họ yêu cầu đưa ông Navalny ra khỏi Nga để đến Đức điều trị, chúng tôi đã cho phép ngay”, theo Tổng thống Putin.

Chưa quyết định về tranh cử nhiệm kỳ mới

Dù đã có những thay đổi trong hiến pháp Nga cho phép ông Putin ra tái tranh cử tổng thống vào năm 2024, ông nhấn mạnh rằng mình chưa quyết định liệu có tận dụng cơ hội này hay không.
Nga cũng sẽ có bầu cử quốc hội vào năm 2021, và ông Putin lưu ý rằng có thể sẽ có sự can thiệp từ nước ngoài nhưng Moscow sẽ ngăn chặn việc này.

Đường ống Nord Stream 2 sẽ có lợi cho châu Âu

Ông Putin hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ thay đổi quan điểm về cách đồng minh châu u, đặc biệt về việc cấm vận liên quan đến hỗ trợ dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Nord Stream 2.
Ông nói đường ống gần hoàn tất, và khí đốt Nga vận chuyển qua Nord Stream 2 sẽ có lợi cho châu u hơn là mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ. 
“Dự án này, không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là tốt cho mọi bên. Rất có lợi cho EU và đặc biệt là cho Đức. Họ có một lựa chọn khác là mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ, đắt hơn đến 20% so với mua khí đốt từ Nga. Vậy thì nền kinh tế Đức sẽ kém cạnh tranh hơn, và giá khí đốt tiêu dùng gia đình sẽ đắt hơn", ông Putin nhấn mạnh.

Không còn là “trạm xăng" của thế giới

Tổng thống Nga cho biết nước này đã giảm lệ thuộc vào doanh thu dầu khí, thu hẹp tỉ lệ đóng góp của ngành này vào ngân sách toàn quốc xuống còn 30%. Ông xem đây là một bước “cai nghiện dầu" để Nga không còn phụ thuộc vào giá dầu thô thế giới, dù vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Nếu ai đó từng xem nước Nga chẳng khác gì “trạm xăng” thì cách nhìn đó cũng không còn nữa. Tuy nhiên, phụ thuộc vẫn còn nặng nề và cần xem xét thêm”, Tổng thống Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.