Quân đội Anh có thể bỏ hẳn xe tăng?

Thế Vinh
Thế Vinh
29/08/2020 20:00 GMT+7

Lẽ nào xứ sở từng sản sinh ra xe tăng sẽ loại bỏ thứ vũ khí này?

Quân đội Anh suốt gần 10 năm qua đã cân nhắc một số lựa chọn để hiện đại hóa lực lượng xe tăng của mình. Trong số đó, đáng kinh ngạc là có cả khả năng sẽ không còn cần đến xe tăng nữa, theo một bản tin của BBC.
Hiện xe tăng chủ lực của quân đội Anh là Challenger 2. Năm 2019, bộ trưởng quốc phòng Anh khi đó là bà Penny Mordaunt cho rằng Challenger 2 đã lỗi thời và không được nâng cấp lớn kể từ năm 1998. Trong giai đoạn đó thì "Mỹ, Đức và Đan Mạch đã hoàn tất 2 lần nâng cấp lớn, còn Nga thì triển khai đến 5 phiên bản mới và đang phát triển phiên bản 6", BBC dẫn lời bà Mordaunt nói.
Bên cạnh đó, số lượng xe đã được giảm từ trên 500 xuống còn 227, và thậm chí trên thực tế chỉ khoảng một nửa số này trong trạng thái sẵn sàng, số còn lại đã niêm cất.

Xe tăng Challenger 2 tham gia tập trận tại Latvia

Reuters

Trong số những lựa chọn quân đội Anh xem xét có việc mua xe tăng Leopard 2 của Đức, hoặc trang bị tháp pháo và pháo mới cho xe Challenger 2.
Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội, tướng Mark Carlton Smith, cũng thể hiện sự thay đổi trong tư duy khi cho rằng năng lực đe dọa của xe tăng đã giảm sút trong chiến tranh hiện đại.
Trong một diễn văn gần đây, vị tướng này nói: "Mối nguy chính không còn là tên lửa và xe tăng. Mà đó là biến các yếu tố toàn cầu hóa thành vũ khí - chính các yếu tố mà cho đến nay đã giúp chúng ta có thịnh vượng và an ninh, như việc lưu chuyển hàng hóa, con người, dữ liệu và ý tưởng".
Ý kiến này nhận được đồng thuận từ những nhân vật trong quân đội tin rằng chiến tranh trong thế kỷ 21 sẽ dựa vào năng lực tấn công mạng, cùng với các công nghệ chiến trận hiện đại và công nghệ không gian.
Báo Times dẫn lời tướng Richard Barrons, nguyên chỉ huy bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp, cho rằng: "Tương lai là thuộc về những thứ tự hành có hoặc không có người điều khiển". Nếu chỉ đầu tư vào "một số nhỏ hệ thống có người điều khiển" thì nước Anh sẽ "tụt lại thêm một thế hệ", tướng Barrons nói.
Quân đội Anh hiện có 15 loại tăng-thiết giáp trong biên chế, trong đó có những loại đã sắp hết niên hạn. Một chương trình hiện đại hóa 700 xe thiết giáp Warrior của lục quân đã bị vượt ngân sách và chậm trễ.
Anh cũng không thể giữ vững các lợi thế về pháo binh, phòng thủ tên lửa và hỏa lực. BBC dẫn lời tiến sĩ Jack Watling nói nước này đang phải lựa chọn giữa hiện đại hóa thiết giáp hay ưu tiên cho hỏa lực và cơ động.
Nếu có "hắt hủi" xe tăng thì Anh cũng chẳng phải là nước đầu tiên. Quân đội Hà Lan hầu như đã bỏ lực lượng thiết giáp, dù vẫn còn giữ một số lượng nhỏ xe tăng.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang quay lưng với xe tăng, chuyển tập trung sang khả năng cơ động vì việc mang xe tăng đi khắp thế giới đòi hỏi hỗ trợ vận chuyển và hậu cần rất lớn. Dù vậy, quân đội Mỹ sẽ vẫn còn đầu tư mạnh vào lực lượng thiết giáp nặng.

Hiện có gần 390 thiết giáp Warrior được triển khai trong quân đội Anh

Reuters

Và nếu quân đội Anh quyết định không cần đến xe tăng, thì đồng minh Mỹ có thể sẽ không vui. Khi Anh vào năm 2010 quyết định sẽ loại bỏ lực lượng tàu sân bay, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates kết luận rằng Anh không còn là cường quốc quân sự "cấp 1" nữa vì không sở hữu đầy đủ năng lực.
Việc cắt giảm lực lượng vũ trang và trang thiết bị quân sự tại Anh sẽ được xem xét dựa trên công tác rà soát quốc phòng. Việc rà soát này dự kiến hoàn thành vào tháng 11. Tuy nhiên, London đã thông báo với các đồng minh NATO về kế hoạch bỏ xe tăng.
Bộ trưởng quốc phòng và các lãnh đạo quân sự nước này sẽ phải quyết định chi ra sao dựa vào ngân sách. Không chỉ có xe tăng bị "nâng lên đặt xuống", mà còn có loại và số lượng tàu chiến và máy bay, và quy mô chung của quân đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.