'Quan chức Hàn, Nhật đều đi xe trong nước dù chất lượng không bằng xe châu Âu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/02/2020 13:54 GMT+7

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, sang Nhật, Hàn Quốc thì thấy quan chức không bao giờ đi xe nước ngoài mà đều sử dụng xe sản xuất trong nước, dù chất lượng có thể không bằng.

Cán bộ, đảng viên chưa ưu tiên dùng hàng Việt

Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình bày tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo sáng 28.2, chỉ rõ một số nơi, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam còn hạn chế, do đó, đã “tác động không tích cực đến nhân dân”.
Trong đề xuất, báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp ưu tiên mua sắm, đầu tư công đối với sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam.
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất nhiều giải pháp để ủng hộ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, trong hoạt động đấu thầu, phải chấp nhận hội nhập, theo cuộc chơi chung của quốc tế, song cũng phải tính toán lợi ích của mình.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại hội nghị

Ảnh Gia Hân

“Trong hoạt động đấu thầu phải thực hiện triệt để việc chỉ đạo mà pháp luật cho phép để ủng hộ hàng Việt và doanh nghiệp Việt, cái nào tranh thủ được sản phẩm, dịch vụ có trong nước thì ưu tiên, đặc biệt là dự án đầu tư công, mua sắm công”, ông Thống nêu, đồng thời kiến nghị cần có những nội dung ưu đãi đối với nhà thầu trong nước.
“Không phải cái gì cũng đấu thầu quốc tế. Cái đó cũng là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, không vi phạm điều ước quốc tế”, ông Thống nói thêm.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cũng chia sẻ, sang Nhật Bản, Hàn Quốc thì quan chức không bao giờ đi xe nước ngoài, mà phải đi xe các hãng sản xuất trong nước dù chất lượng xe trong nước không bằng châu Âu.
“Cần thực hiện chính sách đó để khuyến khích doanh nghiệp Việt. Chỉ khi nào có chính sách như thế mới đi vào cuộc sống, còn nghị quyết chung, chưa cụ thể chính sách thì chưa thành thực tiễn sinh động được”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ưu tiên dùng hàng Việt của cán bộ và nhân dân.
“Tôi nhấn mạnh trong cán bộ. Cán bộ có đi đầu, cơ quan nhà nước có mua hàng hóa gì qua đấu giá, đấu thầu thì ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước thì mới vận động được người dân”, ông Mẫn nói.

50 năm nữa vẫn cần vận động ưu tiên dùng hàng Việt

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, Chính phủ đang xây dựng đề án để huy động người Việt Nam ở nước ngoài sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Theo ông Khôi, hiện tại, học theo kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore, Lào, Bộ Ngoại giao kiến nghị đẩy mạnh sử dụng hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, ví dụ như cà phê, gạo làm quà tặng lễ tân trong các hoạt động ngoại giao.
“Hiện nay, các đại sứ nước ngoài đều sử dụng các loại tặng phẩm như vậy. Đại sứ Việt Nam tại Myanmar vừa rồi dùng điện thoại Vinsmart tặng cho các bộ trưởng. Họ cũng sợ cài phần mềm gián điệp không dùng đâu nhưng về cho con cháu người ta dùng”, ông Khôi chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, chia sẻ tại hội nghị

Ảnh Gia Hân

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kể rằng, có lần ông sang Mỹ, tặng quà một quan chức cấp cao của Mỹ, thì ông này nói: “Đây là cái thứ 10 nhận được, nên không biết để đâu cả. Mang về nhà không được phép”.
Theo ông Hải, quà lễ tân không chất lượng, không phong phú, và sẽ rất tốt nếu Bộ Ngoại giao đẩy mạnh việc sử dụng hàng hóa, sản phẩm có thương hiệu, chất lượng trong nước làm quà tặng trong các hoạt động ngoại giao.
Trước đề xuất cần có thêm phong trào hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm chất lượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, dùng từ “ưu tiên” nghĩa là cùng chất lượng thì ưu tiên dùng hàng trong nước. “Đó là ủng hộ”, ông Hải nói. 
“Trong mọi trường hợp người Việt vẫn phải ưu tiên dùng hàng Việt vì 50 năm nữa hàng của ta cũng không bằng Nhật. Tại vì 50 năm nữa chúng ta có thể bằng Nhật hiện giờ nhưng lúc đó Nhật không biết đã đi đến đâu rồi. Các nước khác cũng vậy. Lúc đó chúng ta vẫn phải có chương trình này. Chúng ta không bao giờ hơn được Nhật và Mỹ được cả”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói thêm.
Ông Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động, thì đề nghị phải xử lý nghiêm các hành vi làm hàng nhái, hàng giả, hàng nước ngoài đột lốt nhãn mác, thương hiệu doanh nghiệp Việt.
“Bây giờ mình không nói nước nào, nhưng vừa qua, nước nào làm nhiều thì các đồng chí biết rồi. Cái này phải đấu tranh mạnh mẽ”, ông Mẫn nói và lưu ý ngành Công thương là lực lượng chủ lực trong chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Người Việt có tin tưởng sử dụng hàng Việt hay không là ở chỗ chất lượng”, ông Mẫn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.