Quan chức EU lo Tổng thống Putin 'không nói suông' về đe dọa tấn công hạt nhân

26/09/2022 20:26 GMT+7

Ngày 24.9, Đại diện đối ngoại cấp cao châu Âu Josep Borell nói với BBC rằng ông tin Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các lực lượng Nga bị "ép vào đường cùng".

Ông Borrell kêu gọi đàm phán hòa bình nhưng những điều kiện mà ông đặt ra dường như sẽ không được chào đón.

Nhà ngoại giao này nhận định xung đột ở Ukraine đã đạt đến "thời khắc nguy hiểm" vì quân đội Nga đang bị dồn ép, và việc ông Putin phản ứng bằng cách đe dọa dùng vũ khí hạt nhân là "rất nghiêm trọng".

Nhận định liên quan đến việc quân đội Nga đã bị dồn vào đường cùng của ông Borrell có thể dựa vào thực tế Ukraine đã giành lại kiểm soát lại được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Kharkiv hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, phía Moscow cho rằng quân đội Ukraine vẫn chịu tổn thất nặng nề so với số thương vong tương đối nhỏ của Nga sau khi rút quân.

Sau chiến dịch phản công của Ukraine, ngày 21.9, Tổng thống Putin đã thông báo lệnh động viên một phần, huy động khoảng 300.000 quân nhân dự bị. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết con số này tương đương với 1% tiềm năng huy động toàn bộ của Nga.

Nga làm rõ cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin

Ông Putin cũng cảnh báo Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ với "toàn bộ khả năng có sẵn, gồm nhiều loại vũ khí hủy diệt" - có thể bao gồm cả gồm vùng Donbass với hai khu vực Donetsk và Luhansk, cũng như Zaporizhzhia và Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý vào tuần này. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Đó không phải lời nói suông".

Vì tuyên bố này mà ông Borrell cho rằng phải nhìn nhận lời đe dọa của Nga "một cách nghiêm túc". Ông nói thêm phải đạt được "giải pháp ngoại giao" nhưng thỏa thuận này phải "đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine".

Trước đó, ông Borrell từng khẳng định xung đột ở Ukraine "phải được giải quyết qua chiến thắng trên chiến trường".

Ngoài 4 khu vực sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga sắp tới, định nghĩa toàn vẹn lãnh thổ Ukraine của ông Borrell có vẻ như giống với tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây.

Ông từng cam kết sẽ giành lại quyền kiểm soát 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass và cả Crimea, nơi đã được Nga sáp nhập hồi năm 2014.

Từ lâu trước khi 4 cuộc trưng cầu dân ý được công bố, ông Zelensky đã bác bỏ ý tưởng từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên Donbass và Crimea để đổi lấy hòa bình với Nga.

Cư dân 4 tỉnh ở Ukraine bắt đầu trưng cầu dân ý để gia nhập Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.