Quan chức cấp cao đầu thời Pháp thuộc: Trú sứ Pháp tại Huế từ sau Hiệp ước Giáp Tuất

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
06/04/2022 06:36 GMT+7

Trước khi có chức danh Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ và Khâm sứ Trung kỳ nửa sau thập niên 1880, chính quyền thuộc địa đã thiết lập một cơ sở ngoại giao tại Tòa Trú sứ Huế sau khi hai bên ký Hiệp ước Giáp Tuất ngày 15.3.1874.

Đại diện cho chính quyền Pháp bên cạnh triều đình Huế từ giữa năm 1875 được gọi là đại biện lâm thời (Chargé d’affaires), hàm ngang với thượng thư của triều đình Huế. Người đầu tiên được bổ nhiệm là Pierre Paul Rheinart (sử Việt gọi là Lê Na), nhậm chức ngày 28.7.1875, Rheinart có ba lần giữ vai trò này và là nhân vật liên quan đến nhiều sự kiện chính trị tại Huế đương thời.

Tòa Trú sứ Pháp tại Huế năm 1875, tranh vẽ của Kauffmann

Le Tour du Monde, Paris, 1878, tr.43

Trước khi phía Pháp bổ nhiệm Rheinart giữ chức đại biện lâm thời, căn cứ theo nội dung điều 20 của Hiệp ước Giáp Tuất rằng Tổng thống Cộng hòa Pháp sẽ cử một đại diện bên cạnh Đức vua An Nam (tức Đại Nam) và ngược lại Đức vua An Nam có thể đặt lãnh sự của mình ở Paris và Sài Gòn, thì phía Đại Nam đã bổ nhiệm cựu Tuần phủ Vĩnh Long là Nguyễn Thành Ý (阮誠意, 1820 - 1897) làm Khâm phái (欽派) Gia Định kiêm chức Lãnh sự tại Sài Gòn.

Việc bổ nhiệm Nguyễn Thành Ý được Đại Nam thực lục (ĐNTL) chép rằng, nhân dịp sinh nhật (lễ Vạn thọ) vua Tự Đức vào tháng 8 âm lịch năm 1874 (nhằm ngày 22.9.1874) thì Hình bộ Thượng thư Nguyễn Văn Tường tâu nói: “...Nếu đặt sứ ở Gia Định, là ngang hàng với Kinh đô, chưa là thỏa đáng, hoặc chỉ đặt Lãnh sự thì phẩm trật danh vọng thấp kém, theo tục nước Tây không được dự bàn việc công, nghị đặt một viên Khâm phái kiêm sung Lãnh sự ở Gia Định, lại đặt thêm 1 viên Phó Lãnh sự để giúp ủy làm việc. [...]. Vua theo lời” (ĐNTL, tập 8, nhóm dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.65).

Hai tháng sau, vua “cho Nguyễn Thành Ý sung Gia Định kiêm Khâm phái Lãnh sự; Phan Kiêm Ích sung Phó Lãnh sự, chuẩn cho đều thăng trật bổ hàm để tỏ khuyến khích” (ĐNTL, tập 8, sđd, tr.76). Nguyễn Thành Ý về sau được biết đến là người Việt đầu tiên làm Lãnh sự ngoại giao thời Pháp thuộc.

Tháng 4.1883, Rheinart trở về Pháp, bấy giờ đại diện cho chính phủ Pháp ở Trung kỳ và Bắc kỳ là một Tổng ủy viên chính phủ Cộng hòa Pháp (Commissaire général du Gouvernement de la République française) trú đóng tại Bắc kỳ. Người được bổ nhiệm là bác sĩ - nhà ngoại giao François Jules Harmand, sử Việt gọi là Ra-măng, Hác-măng… với chức danh “Toàn quyền Pháp”. Chính Harmand là người đại diện phía Pháp ký hiệp ước hòa bình tại Huế (còn gọi là Hiệp ước Harmand hoặc Hiệp ước Quý Mùi) ngày 25.8.1883 (nhằm ngày 23.7 âm lịch năm Quý Mùi) với đại diện triều đình Huế là Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc và Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hiệp. Hiệp ước này có những điều khoản nặng nề, như Pháp sẽ chủ trì tất cả mối quan hệ ngoại giao của Đại Nam với thế lực bên ngoài kể cả với Trung Quốc, sáp nhập tỉnh Bình Thuận của Trung kỳ vào Nam kỳ, cắt ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh của Trung kỳ sáp nhập vào Bắc kỳ... Hiệp ước về sau không được Paris phê chuẩn.

Điều 11 của Hiệp ước 1883 (bản tiếng Pháp) có nhắc đến chữ “Résident” (công sứ) và “Résident de France à Hué” (Công sứ Pháp tại Huế), rằng tại Huế sẽ có một viên công sứ Pháp cấp rất cao, dưới sự kiểm soát của Tổng ủy viên chính phủ Cộng hòa Pháp - người đại diện cho chính quyền bảo hộ điều hành các quan hệ ngoại giao của An Nam. Tổng ủy viên này có thể ủy quyền một phần hoặc toàn quyền cho Công sứ Pháp tại Huế, vua An Nam không được từ chối yêu cầu hội kiến riêng và cá nhân từ phía công sứ Pháp nếu không có lý do chính đáng.

Tháng 5.1884, Rheinart trở lại Huế cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Bắc Kinh là Jules Patenôtre (sử Việt gọi là Ba-đức-na), Patenôtre đại diện phía Pháp ký với triều đình Huế hiệp ước mới ngày 6.6.1884 (nhằm ngày 13.5 âm lịch năm Giáp Thân, còn gọi là Hiệp ước Patenôtre hoặc Hiệp ước Giáp Thân), điều 5 của hiệp ước (bản tiếng Pháp) thay chữ Résident thành Résident général (về sau dịch là tổng trú sứ), ĐNTL ghi là “khâm sứ đại thần”. Vài ngày sau (11.6.1884), Rheinart được tái bổ nhiệm vai trò đại diện bên cạnh triều đình Huế thay cho Eusèbe Irénée Parreau (sử Việt gọi là Ba-rô hoặc Pha-cô), lúc này Rheinart làm công sứ lâm thời (ĐNTL ghi là quyền khâm sứ) đại diện cho chính quyền bảo hộ tại Trung kỳ.

Về các nhân vật đại diện người Pháp tại Huế giai đoạn này, ĐNTL ghi là khâm sứ đại thần, khâm sứ hoặc khâm sứ đóng ở kinh. ĐNTL cho biết một số sử kiện: tháng 2.1884, Eusèbe Irénée Parreau đến Huế thay Louis Eugène Palasne de Champeaux (sử Việt gọi là Sâm-bô) làm khâm sứ; ngày 11.6.1884, Rheinart thay Parreau làm quyền khâm sứ; đầu tháng 10.1884, Victor Gabriel Lemaire (sử Việt gọi là Lô-mi-ơ hoặc Lý Mai) thay Rheinart làm Khâm sứ Huế kiêm Toàn quyền đại thần Bắc kỳ (tức kiêm Thống soái Bắc kỳ), ĐNTL gọi chung là toàn quyền khâm sứ; tháng 5.1885, de Champeaux trở lại Huế thay Lemaire làm khâm sứ, từ tháng 10.1885 - 2.1886 thì lần lượt tướng Prudhomme (sử Việt gọi là Ba-duy-đam), Séraphin Hector (sử Việt gọi là Hách-tô) làm quyền khâm sứ…

Chức danh khâm sứ (欽使, quan đại diện cho vua ở nơi xa) ở trên tương đương với chức danh công sứ được đề cập trong bản tiếng Pháp Hiệp ước 1883 - một công sứ cấp rất cao trú đóng tại Huế, và trước đó nữa là đại biện lâm thời có từ năm 1875. Nhắc đến nhân vật Rheinart và những người kế vị ông ta như Parreau, Lemaire, de Champeaux, Prudhomme… giai đoạn 1875 - 1885, nhiều tài liệu gọi chung là khâm sứ dù rằng từ năm 1886 chức danh này mới được người Pháp thiết lập, lâu nay được gọi là Khâm sứ Trung kỳ (tiếng Pháp: Résident supérieur de l’Annam).

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.