Quan chức cấp cao đầu thời Pháp thuộc: Bãi bỏ chức danh Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
07/04/2022 06:08 GMT+7

Chức danh Tổng Trú sứ (Résident général) dù được đề cập trong điều 5 của Hiệp ước Giáp Thân (bản tiếng Pháp) ký ngày 6.6.1884, nhưng phải gần một năm sau mới có người được bổ nhiệm.

Sau giai đoạn dài với những đại biện lâm thời, công sứ và công sứ lâm thời thay nhau đại diện cho chính phủ Pháp tại Huế, đến cuối tháng 5.1885 Thống tướng de Courcy mới được Tổng thống Pháp bổ nhiệm làm Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ đầu tiên, hơn một tháng sau ông ta đến Huế và dẫn đến sự biến kinh thành Huế hay còn gọi là “Thất thủ kinh đô” đêm mồng 4 rạng sáng 5.7.1885 (nhằm ngày 22 - 23 tháng 5 âm lịch (ÂL) năm Ất Dậu).

Sự việc này được Đại Nam thực lục (ĐNTL) chép rằng, vào tháng 5 ÂL năm 1885 (tháng 6.1885) “Đô thống tướng Pháp là Cô-ra-xi [tức de Courcy] kiêm quản các đạo quân của nước ấy hiện đóng ở miền Nam, miền Bắc và sung làm Toàn quyền đại thần [tức Tổng Trú sứ] mới đến Bắc kỳ, tức thì gửi thư báo cho Khâm sứ [tức Công sứ Pháp] đóng ở Kinh biết. (Khâm sứ đóng ở Kinh là Sam-bô [tức de Champeaux] cũng theo lệnh của Đô thống ấy). Đến đây, đem binh thuyền theo nhiều, từ Bắc kỳ đến cửa biển Thuận An sai hộ tiếp Đô thống ấy đến sứ quán” (ĐNTL, tập chín, nhóm dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.136).

Toàn cảnh kinh thành Huế. Tranh vẽ của Lepère dựa theo một bức ảnh

Le Monde illustré, số ra ngày 1.8.1885, tr.69

Đêm 4.7.1885, Tôn Thất Thuyết ngầm chia quân các dinh vệ làm 2 đạo, nửa đêm sang đò sông Hương hợp lực với các cánh quân đánh úp tòa Trú sứ của Pháp và Trấn Bình đài. Quân Pháp đóng cửa chặt, lẻn nấp đợi đến sáng phản công. Với súng đạn, vũ khí vượt trội, quân Pháp tràn vào kinh thành Huế, khoảng 8 giờ sáng ngày 5.7 (23.5 ÂL) thì quân Pháp “lên kỳ đài treo hiệu cờ tam tài, súng bắn vẫn còn ầm vang, quan lại nhân dân giành nhau tìm cửa chạy ra, rồi tự giày xéo lên nhau, chết và bị thương rất nhiều. Quân Pháp bèn đốt 2 bộ Lại và Binh (nguyên là nơi [Nguyễn] Văn Tường và [Tôn Thất] Thuyết ở đó) và thuốc đạn khí giới các dinh trại bốc lên xông trời (2 ngày đêm không tắt), chia giữ các cửa thành trong ngoài và các sở kho tàng cung điện...” (ĐNTL, tập chín, sđd, tr.139-140). Về sau, ngày 23.5 ÂL được người Huế xem là ngày giỗ chung của Huế.

Chức danh Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ của tướng de Courcy được sử Việt gọi là Đô thống toàn quyền đại thần, de Courcy tại vị đến cuối tháng 1.1886 thì về Pháp, thay thế ông ta là tướng Charles Auguste Louis Warnet (sử Việt gọi là Vi-nê, Ve-ra-nê hoặc Hoa Nê). Warnet bấy giờ là Thống soái Bắc kỳ, được bổ nhiệm làm quyền Tổng Trú sứ cùng thời điểm Tổng thống Cộng hòa Pháp ban hành Sắc lệnh ngày 27.1.1886 về việc thành lập chế độ bảo hộ (protectorat) của Pháp ở vùng đất Bắc kỳ và Trung kỳ - kết thúc giai đoạn các võ quan xuất thân trong quân đội Pháp nắm quyền tại Huế.

Về việc bổ nhiệm Paul Bert, một viên chức dân sự, làm Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ và chuyến đi của học giả Trương Vĩnh Ký, ĐNTL chép: “…Nay cứ theo lời viên tùy phái quan Pháp trình bày, thì Pôn-be [tức Paul Bert] là người từng du lịch các nước, văn học giỏi lắm; nếu theo tục các nước, dự vào hội văn học, như một chức ở viện Hàn lâm, thì quý toàn quyền, báu như tặng 100 thứ bảo vật; xin nên theo thế làm việc. Vua bèn chuẩn cho tôn Toàn quyền đại thần [tức Tổng Trú sứ] Pôn-be làm Hàn lâm viện Trực học sĩ và ẩn sĩ trong Nam là Trương Vĩnh Ký (người Gia Định đi theo toàn quyền đến) làm Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ” (ĐNTL, tập chín, sđd, tr.246).

Sau cái chết của Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ Paul Bert và kéo qua hai đời Toàn quyền Đông Dương (Ernest Constans: giữ chức Toàn quyền Đông Dương tạm thời từ ngày 16.11.1887 đến 21.4.1888, Étienne Antoine Guillaume Richaud: lần lượt giữ chức Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ kể từ ngày 22.4.1888 và Toàn quyền Đông Dương chính thức (thông qua Sắc lệnh ngày 8.9.1888) đến 31.5.1889), chức danh Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ mới chính thức bị bãi bỏ sau Sắc lệnh ngày 9.5.1889. Pierre Paul Rheinart được biết đến là đại biện lâm thời đầu tiên và Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ cuối cùng.

Ba tháng trước khi bãi bỏ chức danh Tổng Trú sứ, Toàn quyền Đông Dương Richaud ban hành Nghị định ngày 10.2.1889 (đăng trên Bulletin officiel de l’Indochine française (Công báo Đông Dương thuộc Pháp), số 2 năm 1889, tr.163-173) quy định lại thẩm quyền của người đại diện chính quyền bảo hộ tại Trung - Bắc kỳ này, rằng Tổng Trú sứ sẽ nắm quyền quản lý nhân sự người Âu và người bản xứ ở Trung kỳ và Bắc kỳ, điều hành nhân sự ở Bắc kỳ thông qua Thống sứ Bắc kỳ (Résident supérieur du Tonkin).

Theo đó, Tổng Trú sứ được Toàn quyền Đông Dương ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn về mặt nhân sự, hành chính, tài chính và vấn đề bản xứ ở Trung - Bắc kỳ. Ví dụ, Tổng Trú sứ được quyền thuyên chuyển phó công sứ và chưởng ấn ở Bắc kỳ, riêng ở Trung kỳ thì Tổng Trú sứ được quyền thuyên chuyển nhân sự người Âu trừ công sứ, phó công sứ và chưởng ấn; được quyền kỷ luật và cách chức nhân sự người bản xứ; giám sát và điều hành chính quyền bản xứ; phê chuẩn các bản án tử hình ở Bắc kỳ và các tòa bản xứ; cấp phép mở trường hoặc đóng cửa trường học; phê chuẩn hoặc phản đối các quyết định bổ nhiệm ở Bắc kỳ từ cấp huyện trở xuống… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.